Hành động khác thường, giấu kín thông tin của Đoàn Di Băng khiến netizen bán tín bán nghi.
Ngày 11/05/2025, Phụ nữ số đưa tin “Bí ẩn chưa có lời giải về Đoàn Di Băng”. Nội dung chính như sau:
Những ngày vừa qua, Đoàn Di Băng trở thành cái tên bị réo gọi trên mạng xã hội. Nguyên do vì lô sản phẩm dầu gội Hanayuki – sản phẩm do công ty vợ chồng Đoàn Di Băng kinh doanh đã bị thu hồi do không đạt chất lượng.
Sau khi vụ việc này gây xôn xao, hàng loạt những thông tin về Đoàn Di Băng được đào lại và bàn tán rầm rộ. Từ giữa năm 2021, vợ chồng nữ ca sĩ đã hé lộ hình ảnh căn biệt thự có giá lên tới 400 tỷ đồng. Tuy nhiên tới cuối năm 2021, nữ đại gia từng thông báo bản thiết kế không phù hợp với những yêu cầu của nhà thầu và khu dự án nên Thái Công phải hủy bỏ vẽ lại từ đầu.
Đoàn Di Băng từng hé lộ bản thiết kế 3D căn biệt thự có giá 400 tỷ trên mạng xã hội
Tháng 12/2024, nữ ca sĩ đăng tải đoạn clip căn biệt thự sang chảnh ở quận 7 thành phố Hồ Chí Minh và cho biết đây chỉ là “nhà ở tạm” của cả gia đình mà thôi. Cô còn khẳng định sang năm 2025 sẽ chuyển về nhà mới là căn villa có giá khoảng 400 tỷ đồng.
NTK Thái Công chính là người thiết kế biệt thự này cho vợ chồng Đoàn Di Băng với chi phí 7,5 tỷ đồng. Từ đó đến nay, Đoàn Di Băng không đả động gì tới căn biệt thự này. Hành động khác thường bí ẩn khiến netizen bán tín bán nghi, tò mò về tiến độ thi công của biệt thự này.
Cô cho biết cả gia đình sẽ chuyển tới sinh sống vào năm 2025 nhưng thời gian qua không cập nhật thông tin mới nào
Được biết, NTK Thái Công là người thiết kế biệt thự với chi phí 7,5 tỷ
Biệt thự mà gia đình Đoàn Di Băng đang sinh sống tọa lạc trong một khu dân cư cao cấp ở Quận 7 thành phố Hồ Chí Minh, có diện tích rộng rãi lên tới 450m2, gồm 3 tầng. Cô dọn về đây ở từ khoảng năm 2017. Căn biệt thự được đặt tên là Hanayuki House – ghép từ tên hai con gái của vợ chồng cô.
Vợ chồng Đoàn Di Băng đang sinh sống trong căn biệt thự ở Quận 7
Đoàn Di Băng và ông xã Nguyễn Quốc Vũ thường được nhắc đến với sự giàu có và cuộc sống sang chảnh
Phía bên ngoài căn nhà được cho là “ở tạm” của gia đình Đoàn Di Băng
Trước đó, thông tin về lô sản phẩm Hanayuki Shampoo, chai 300g – dầu gội từ thảo dược của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group bị cơ quan chức năng đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc khiến công chúng quan tâm. Công ty VB Group do Nguyễn Quốc Vũ – chồng Đoàn Di Băng là người đại diện pháp luật.
Lý do thu hồi được Cục Quản lý dược nêu rõ là do lô sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật và chứa chất 2-Phenoxyethanol, một thành phần không có trong công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố. Đây là hành vi vi phạm quy định về quản lý mỹ phẩm.
Trước vi phạm trên, Cục Quản lý Dược yêu cầu ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Hanayuki Shampoo trên toàn quốc; trả lại cơ sở cung ứng.
Lô sản phẩm dầu gội Hanayuki – sản phẩm do công ty vợ chồng Đoàn Di Băng kinh doanh đã bị thu hồi do không đạt chất lượng
Tối 7/5, Đoàn Di Băng đăng tải dòng thông báo ngay giữa đêm. Cô đăng tải thông báo chính thức từ công ty VB Group về lô dầu gội Hanayuki bị buộc thu hồi. Theo công ty VB, trong quá trình kiểm tra, một lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo của công ty VB Group đã được phát hiện có chỉ số vi sinh vượt ngưỡng cho phép. Lỗi được xác nhận từ phía nhà máy sản xuất – đơn vị gia công sản phẩm cho công ty VB.
Công ty VB chia sẻ cụ thể nguyên nhân: “Theo xác nhận từ phía nhà máy sản xuất – đơn vị gia công sản phẩm cho công ty VB – đây là lỗi phát sinh trong quá trình sản xuất và phía nhà máy đã thừa nhận hoàn toàn trách nhiệm. Lỗi này đã dẫn đến việc sản phẩm không đạt chuẩn an toàn về mặt vi sinh.
Trên cơ sở đề nghị từ cơ quan chức năng, toàn bộ lô hàng liên quan sẽ được thu hồi và tiêu huỷ theo đúng quy định. Dù không trực tiếp gây ra sự cố, công ty VB vẫn là bên bị ảnh hưởng, và chúng tôi cam kết luôn đặt chất lượng sản phẩm và sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh lên hàng đầu”.
Công ty VB cũng đưa ra phương án giải quyết: Thu hồi toàn bộ sản phẩm Hanayuki Shampoo thuộc lô hàng bị ảnh hưởng. Nếu khách hàng mua tại công ty có nhu cầu đổi trả thì có thể gửi hàng lại. Nếu khách hàng mua thông qua các đại lý, nhà phân phối chính thức trên toàn quốc có thể đổi trả trực tiếp qua đại lí, nhà phân phối chính thức.
Sau khi tiếp nhận sản phẩm, công ty VB sẽ đền bù bằng sản phẩm mới đạt chuẩn, đảm bảo quyền lợi và trải nghiệm cho khách hàng.
Cuối cùng, công ty VB Group cũng đưa ra lời xin lỗi: “Chúng tôi thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này và sẽ tiếp tục nỗ lực kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng để tránh các sự cố tương tự trong tương lai”.
Đoàn Di Băng đã lên tiếng ngay trong đêm vào ngày 7/5 sau khi bị thu hồi sản phẩm dầu gội
Đoàn Di Băng tên thật là Phạm Thị Thanh Thúy, sinh năm 1990 tại TP.HCM. Trước khi trở thành nữ doanh nhân nổi tiếng như hiện tại, cô từng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Năm 2010, Đoàn Di Băng đoạt giải Bạc cuộc thi Giọng hát vàng ngành Du lịch TP.HCM lần thứ VI. Nhờ cuộc thi này, cô bén duyên với âm nhạc và từng ra mắt ca khúc Vườn hạnh phúc – sản phẩm giúp cô được đông đảo khán giả chú ý hơn.
Ngoài ca hát, cô còn hoạt động trong showbiz với nhiều vai trò, trong đó có việc làm giám khảo cuộc thi về nhan sắc. Đến năm 2012, sau khi kết hôn với ông xã đại gia, cô quyết định lui về hậu trường và tập trung phát triển kinh doanh.
Ngày 07/05/2025 Công Thương đưa tin “Dầu gội Hanayuki Shampoo của Đoàn Di Băng bị thu hồi, tiêu huỷ”. Nội dung chính như sau:
Buộc phải thu hồi, tiêu hủy sản phẩm kém chất lượng
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn số 1254/QLD-MP ngày 6/5/2025 về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo – Chai 300 gam. Đây là sản phẩm do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai sản xuất.
Sản phẩm Hanayuki Shampoo buộc phải thu hồi, tiêu hủy vì kém chất lượng. Ảnh minh họa
Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh theo Phiếu kiểm nghiệm số 0023/VKN-KTMP2025 ngày 29/4/2025, mẫu sản phẩm Hanayuki Shampoo – Chai 300 gam lấy tại Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai đã không đạt yêu cầu chất lượng. Cụ thể, sản phẩm vi phạm giới hạn về chỉ tiêu vi sinh vật và phát hiện chứa 2-Phenoxyethanol, thành phần không có trong công thức đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai trước đây là Công ty TNHH EBC Group.
Trước thực trạng này, Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Shampoo – Chai 300 gam, số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 780/24/CBMP-ĐN, số lô 0010125, ngày sản xuất 05/01/2025 và hạn dùng 04/01/2027. Đồng thời, Cục yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group và Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai phải thông báo thu hồi tới tất cả các đơn vị phân phối, sử dụng lô sản phẩm này; tiếp nhận sản phẩm trả lại và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm. Báo cáo kết quả thu hồi, tiêu hủy phải được gửi về Cục Quản lý Dược trước ngày 08/6/2025.
Đoàn Di Băng thường xuyên livestream quảng bá các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Hanayuki. Ảnh chụp màn hình.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn về việc ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Hanayuki Shampoo – Chai 300 gam nêu trên; đồng thời yêu cầu các cơ sở trả lại sản phẩm cho nhà cung cấp. Sở Y tế cần tổ chức kiểm tra, giám sát việc thu hồi, tiêu hủy, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Cục yêu cầu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai giám sát việc thực hiện thu hồi, tiêu hủy sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group và Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai; thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 780/24/CBMP-ĐN theo quy định tại điểm b, đ khoản 1 Điều 46 Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Đồng thời, các Sở Y tế này cần kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại hai công ty liên quan và xử lý vi phạm nếu có. Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát phải được gửi về Cục Quản lý Dược trước ngày 23/6/2025.
Liên quan đến sản phẩm này, ca sĩ, doanh nhân Đoàn Di Băng, một KOLs có tầm ảnh hưởng mạnh trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Youtube từng tổ chức nhiều buổi livestream rầm rộ quảng bá cho dầu gội Hanayuki. Theo chia sẻ trong các buổi livestream, Hanayuki Shampoo được ca ngợi là “sản phẩm bán chạy nhất chỉ sau dung dịch vệ sinh phụ nữ”.
“Dầu gội Hanayuki giữ gần như trọn vẹn sự tự nhiên của các tinh chất thảo dược như bồ kết, hà thủ ô, tinh dầu vỏ bưởi, tinh dầu hương nhu… Tất cả những thành phần rất tốt cho tóc đều có trong chai dầu gội này. Nếu bạn nào đã từng dùng rồi sẽ thấy rằng chất dầu gội này không đặc sệt như các loại dầu gội thông thường, mà hơi loãng một chút. Lý do là vì Băng đã hạn chế tối đa việc đưa hóa chất vào sản phẩm, kể cả những chất làm đặc. Chính vì vậy, kết cấu dầu gội hơi loãng, nhưng rất an toàn và tốt cho tóc. Dầu gội cũng không tạo quá nhiều bọt, nhờ vậy không làm tóc bị khô. Thậm chí khi dùng dầu gội này, bạn không cần dùng thêm dầu xả nữa”, Đoàn Di Băng giới thiệu dầu gội Hanayuki trong buổi livestream.
Về công dụng, bà Đoàn Di Băng giới thiệu, Hanayuki Shampoo có nhiều chức năng như “giúp khử mùi hôi da đầu”, “kích thích mọc tóc”, “phục hồi tóc hư tổn”, “sạch gàu, giảm nấm da đầu”,..
Hiện tại, Hanayuki Shampoo vẫn đang được rao bán phổ biến trên nhiều sàn thương mại điện tử và mạng xã hội với giá khoảng 220.000 – 230.000 đồng/chai 300gam, thường bán kèm dầu xả Hanayuki trong combo với giá từ 420.000 – 475.000 đồng.
Đoàn Di Băng bị phản ánh quảng cáo sai lệch
Thời gian qua, Báo Công Thương nhận được nhiều phản ánh về việc Đoàn Di Băng quảng cáo sai lệch công dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki Soft & Silk. Trong nhiều video lan truyền trênFacebook và TikTok, bà tuyên bố sản phẩm không chỉ làm sạch vùng kín mà còn có tác dụng làm hồng, trị mụn, trị gàu, hôi nách, chữa đau bụng kinh, kích thích sinh lý nữ và giúp vết rạch tầng sinh môn lành chỉ sau 2–3 ngày. Các chuyên gia y tế khẳng định những công dụng này đều thiếu cơ sở khoa học, đặc biệt việc quảng cáo dùng cho trẻ sơ sinh còn gây lo ngại nghiêm trọng về an toàn sức khỏe.
Đoàn Di Băng bị tố thổi phồng công dụng của sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Hanayuki Soft & Silk. Ảnh chụp màn hình
Mặc dù tự nhận là người sản xuất, bà Đoàn Di Băng thừa nhận không nắm rõ thành phần sản phẩm, và cho rằng một số thành phần được “lén lút” thêm vào trước khi Bộ Y tế phê duyệt.
“Nhưng mà không hiểu động lực nào mà các chuyên gia của Hanayuki đã lén lút bỏ vào thêm trong sản phẩm một số thành phần và đem đi Bộ Y tế kiểm duyệt và cũng không hiểu sao Bộ Y tế cũng duyệt luôn, mọi người à!”, bà Đoàn Di Băng thắc mắc.
Dung dịch Hanayuki hiện lưu hành với ba dòng sản phẩm, giá từ 120.000–160.000 đồng/chai, được giới thiệu chiết xuất từ thiên nhiên như lô hội, lá trầu không, nhụy hoa nghệ tây và muối tinh khiết.
Không chỉ dầu gội, dung dịch vệ sinh phụ nữ, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Hanayuki cũng đang gây nhiều tranh cãi vì quảng cáo sản phẩm với công dụng vượt ngoài giới hạn cho phép của mỹ phẩm. Trên các trang web như hanayuki.asia, hanayuki.net.vn và nhiều nền tảng bán hàng khác, Hanayuki thường xuyên sử dụng các cụm từ như “trị mụn”, “trị nám”, “hỗ trợ điều trị”, khiến người tiêu dùng dễ hiểu nhầm đây là thuốc chữa bệnh thay vì mỹ phẩm thông thường.
Các sản phẩm Hanayuki được bày bán rộng rãi theo dạng lẻ hoặc combo với giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, như Kem trị mụn Hanayuki (570.000 đồng/tuýt), Serum trị mụn mini (240.000 đồng/tuýt), Serum trị mụn full size (670.000 đồng/tuýt) và Combo trị mụn lên tới 1.860.000 đồng. Dù mang danh nghĩa mỹ phẩm, sản phẩm lại được quảng cáo với cam kết hiệu quả chỉ sau vài tuần sử dụng, không phù hợp với quy định quản lý mỹ phẩm hiện hành.
Ngoài website chính thức, các sản phẩm Hanayuki còn được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, đặc biệt tại các group Facebook lớn, với lời lẽ thổi phồng như “thần dược”. Các bài đăng cam kết khả năng làm mờ thâm nám chỉ sau 3 tuần, “chấm một phát là gom còi, đẩy nhân mụn cấp tốc”, hoặc quảng cáo kem chống nắng có tác dụng làm trắng vượt trội hơn cả kem dưỡng da. Những hình thức quảng cáo này đang đặt ra nhiều lo ngại về việc gây hiểu nhầm và tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng.
Theo giới thiệu, các mỹ phẩm mang nhãn hiệu Hanayuki đều do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 29/4/2021, có trụ sở chính Tầng lửng cao ốc Đại Thanh Bình số 911-913-915-917 Nguyễn Trãi, phường 14, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group do ông Nguyễn Quốc Vũ (chồng bà Đoàn Di Băng) là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc.