Người mua vàng lãi đậm, giá vàng có tiếp tục lập đỉnh mới?

Người mua vàng đầu tuần này (8/4) lãi đậm nhờ giá vàng liên tục chinh phục những đỉnh cao lịch sử.

Theo VTC News ngày 12/4 có bài Người mua vàng lãi đậm, giá vàng có tiếp tục lập đỉnh mới? Nội dung như sau:

Lúc 6h ngày 12/4, giá vàng miếng tại Doji và SJC được niêm yết ở mức 102,2 – 105,2 triệu đồng/lượng (mua – bán). Như vậy, nếu người mua giá 100,1 triệu đồng ngày 8/4 thì đến nay bán 102,2 triệu đồng, đã lãi 2,1 triệu đồng chỉ sau 5 ngày.

Tương tự, giá vàng nhẫn hiện được Doji niêm yết ở mức 100,7 – 104,3 triệu đồng/lượng (mua – bán). Nếu người mua với giá 100,1 triệu đồng/lượng vào ngày 8/4 thì đến nay bán giá 100,7 triệu đồng/lượng, lãi 600.000 đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng trải qua nhiều phiên biến động mạnh. Đầu tuần giá vàng liên tục giảm vì thông tin Mỹ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam 46%, nhiều thời điểm, giá vàng đã mất mốc 100 triệu đồng/lượng.

Đến 2 ngày cuối tuần, khi có thông tin Mỹ hoãn áp thuế, giá vàng liên tục tăng phi mã và lập những đỉnh lịch sử mới. Đặc biệt, sáng 11/4, giá vàng lần đầu chinh phục ngưỡng 106,4 triệu đồng/lượng. Đây là ngưỡng cao nhất lịch sử.

Tuy nhiên, ngưỡng giá này đã không trụ được lâu, đến cuối phiên hôm 11/4, vàng đã giảm tới 2 triệu đồng, về ngưỡng 104 – 105 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay (10-4): Tăng sốc

Nhận định về giá vàng thời gian tới, ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho biết, giá vàng thế giới đã chính thức vượt mốc 3.200 USD/ounce, không chỉ phản ánh lo ngại về lạm phát hay rủi ro địa chính trị, mà còn là hệ quả của những bất ổn sâu rộng trong nền kinh tế – tài chính toàn cầu.

Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc quay trở lại thành tâm điểm khi Mỹ vừa công bố chính sách áp thuế mới, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Mặc dù Mỹ tạm hoãn 90 ngày cho hơn 70 quốc gia có thiện chí đàm phán và chỉ áp mức 10% thuế nhập khẩu, nhưng động thái này vẫn khiến giới đầu tư lo ngại sâu sắc về một chu kỳ bảo hộ mới và nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, căng thẳng Mỹ – Trung leo thang không chỉ ở mặt trận thương mại, mà còn ở công nghệ, địa chính trị và đầu tư. Điều này tạo ra tâm lý bất an sâu rộng, thúc đẩy giới đầu tư toàn cầu rút vốn khỏi các tài sản rủi ro (chứng khoán, tiền kỹ thuật số, trái phiếu doanh nghiệp) và đổ vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn tuyệt đối.

Song song đó, lượng mua vàng ròng lớn từ các ngân hàng trung ương (đặc biệt là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga) tạo nên làn sóng tăng giá bền vững cho vàng quốc tế trong thời gian tới.

Đối với vàng trong nước, mặc dù thị trường vàng về bản chất có độ trễ và chênh lệch nhất định với giá vàng thế giới, nhưng các đợt tăng mạnh như hiện nay chắc chắn sẽ tác động mạnh đến tâm lý và giá cả trong nước.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước hiện vẫn chịu sự điều tiết vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy mức tăng có thể sẽ không giống như vàng thế giới.

Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo, không chạy theo đám đông, và có chiến lược phân bổ tài sản dài hạn hợp lý. Vàng chỉ nên chiếm tối đa 10% trong tổng danh mục, đa dạng hoá kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh trong kỷ nguyên vươn mình.

Giá vàng hôm nay (7-3): Đồng loạt giảm

Với các nhà đầu tư muốn phòng ngừa rủi ro trung – dài hạn (6 – 12 tháng), có thể phân bổ từng phần nhỏ. Nhà đầu tư cá nhân nên theo dõi diễn biến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chính sách thuế mới của Mỹ, và phản ứng từ Trung Quốc – đây sẽ là các yếu tố quyết định xu hướng giá vàng trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giá vàng trong nước sẽ tăng theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng không tăng một mạch mà sẽ có những nhịp tăng giảm đan xen.

“Tôi cho rằng giá vàng có thể vọt lên mốc 110 triệu đồng/lượng sớm hơn dự báo của tôi trước đó. Khi giá vàng ở mức 106 triệu đồng/lượng, chỉ cần hai phiên tăng mạnh là đạt mốc 110 triệu đồng/lượng”, ông Huân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, giá vàng trong nước và thế giới có xu hướng tiệm cận nhau. Vì vậy, mức tăng giảm có thể thấp hơn hoặc cao hơn, chứ giá trong nước không thể đi ngược giá thế giới.

Theo ông Khánh, chu kỳ của vàng sẽ có năm tăng, năm giảm và những lúc đi ngang.

Những năm vàng tăng giá mạnh cũng chỉ khoảng 20-30% và diễn ra tối đa 2-3 năm, sau đó sẽ chuyển sang giảm giá hoặc đi ngang, chứ không tăng một mạch cả chục năm. So giá vàng hiện nay với hơn 1 năm trước, giá vàng đã tăng hơn 50%, ông Khánh đánh giá đây là mức vô cùng hiếm hoi trong lịch sử.

“Chu kỳ của vàng dài hơn chu kỳ của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Chu kỳ của vàng thông thường 20-40 năm, trong khi chu kỳ kinh tế khoảng 10 năm”, ông Khánh phân tích.

Do vậy, chuyên gia lưu ý, khi giá vàng liên tục lập đỉnh, nếu không thận trọng, nhà đầu tư rất dễ mua đúng vùng đỉnh, rất rủi ro.

Cùng ngày, Tạp chí VNEconomy cũng có bài Giá vàng “không cản nổi”, tăng thêm 6% trong tuần này. Nội dung như sau:

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/4), lập kỷ lục mới trên ngưỡng 3.200 USD/oz, do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đẩy cao nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư. Đồng USD giảm giá mạnh càng kích thích đà tăng của giá vàng, trong khi “cá mập” SPDR Gold Trust tiếp tục mua ròng vàng.

Đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 60,8 USD/oz so với mức đóng cửa của phiên trước, tương đương tăng 1,91%, đạt 3.238 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương hơn 101 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Trong phiên ngày thứ Sáu, có lúc giá vàng giao ngay lập kỷ lục mọi thời đại ở mức 3.246,8 USD/oz. Giá vàng giao sau trên sàn COMEX tăng 2,1%, chốt tuần ở mức 3.244,6 USD/oz.

Cả tuần, giá vàng giao ngay tăng hơn 6% và giá quy đổi tăng 6 triệu đồng/lượng.

Giá USD tại ngân hàng Vietcombank chốt tuần ở mức 25.530 đồng (mua vào) và 25.920 đồng (bán ra), tăng 40 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Sáu nhưng giảm 40 đồng ở mỗi đầu giá so với mức chốt của tuần trước.

“Rõ ràng, vàng đang là một tài sản an toàn được ưa chuộng trong một thế giới bị đạo lộn bởi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Đồng USD đang mất giá và trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán mạnh”, chiến lược gia Nitesh Shah của công ty WisdomTree nhận định về những động lực tăng giá quan trọng của vàng ở thời điểm này.

Dù hạ thuế đối ứng về mức cơ sở 10% cho tất cả các đối tác thương mại bị áp thuế này, Mỹ tăng thuế lên tổng cộng 145% đối với Trung Quốc – theo xác nhận của một quan chức Nhà Trắng với hãng tin CNBC hôm thứ Năm. Ngày thứ Sáu, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 125% lên hàng Trung Quốc để trả đũa, thay cho mức thuế 84% công bố trước đó.

Đồng USD sụt giá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số Dollar Index giảm gần 1,1%, đóng cửa ở mức 99,78 điểm – thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Tuần này, chỉ số giảm hơn 3,1%, nâng tổng mức giảm trong 3 tháng lên 9%.

Diễn biến giá vàng thế giới tuần này. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading Economics.

Nhìn trong dài hạn hơn, giá vàng được hỗ trợ bởi xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, và việc các quỹ ETF quay trở lại mua vàng mạnh trong năm nay.

Phiên ngày thứ Sáu, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng khoảng 3,5 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên mức gần 953,2 tấn vàng. Tuần này, quỹ mua ròng hơn 20 tấn vàng.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 3 bất ngờ giảm 0,4% so với tháng trước. Hôm thứ Năm, một báo cáo khác từ cơ quan này cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lạm phát ở Mỹ có thể cao hơn trong những tháng tới do tác động của thuế qua. Dù vậy, thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 4 lần trong năm nay, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm, với đợt giảm đầu tiên diễn ra vào tháng 6.

“Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu giá vàng có một cuộc điều chỉnh nhỏ, nhưng xu hướng chính vẫn là tăng. Dữ liệu CPI và PPI cho phép Fed có thêm dư địa để giảm lãi suất, và điều này sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên đồng USD”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong nhận định với hãng tin Reuters.

Vàng là một tài sản an toàn truyền thống, nên thường tăng giá trong môi trường toàn cầu có nhiều biến động và rủi ro như hiện nay. Ngoài ra, vàng được định giá bằng USD và không có lãi suất, nên cũng thường tăng giá khi USD giảm giá và lãi suất giảm.

Nhưng các nhà phân tích của ngân hàng UBS cũng nhấn mạnh rằng có một số diễn biến nhất định có thể hạn chế sự tăng giá của vàng, như “căng thẳng địa chính trị giảm bớt, quan hệ thương mại giữa Mỹ với các đối tác lớn cải thiện, hoặc tình hình kinh tế vĩ mô và tài khóa của Mỹ tốt lên”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *