Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, tỉnh đang triển khai và tiếp tục thi công 10 tuyến kè phòng, chống sạt lở tập trung ở một số địa bàn trọng điểm: Huyện Bến Lức, Tân Thạnh, Cần Đước, Đức Hòa và TP. Tân An với tổng chiều dài 13.794m.
Khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh có dự án xây dựng kè từ sông Lò Gạch đến cầu Kênh 28; dự án chống sạt lở cụm dân cư Bình Châu (đoạn từ cầu Bình Châu sông Vàm Cỏ Tây đến cầu qua kênh 28; dự án kè chống sạt lở bờ Nam sông Vàm Cỏ Tây; dự án xử lý sạt lở, bảo vệ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An Võ Kim Thuần cho biết, sạt lở liên tục xảy ra ở một số tuyến sông, kênh rạch của tỉnh.
Các vị trí sạt lở thường nằm trong khu vực có đoạn sông cong, lõm, dưới tác động của dòng chảy, triều cường lên xuống hàng ngày kết hợp số lượng tàu, thuyền, sà lan tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày, đêm, chạy với vận tốc lớn… Bên cạnh đó, vài năm gần đây, mực nước sông, kênh, rạch xuống thấp làm cho đất dưới lòng kênh bị xói mòn cuốn trôi, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch gây ra sạt lở nghiêm trọng.
Đầu tháng 6/2024, xảy ra sạt lở đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây thuộc khu vực ấp Phú Xuân 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, có đoạn cuốn trôi nửa thân đê, đe dọa 50 hộ dân đang sinh sống cùng hàng trăm hécta đất trồng thanh long.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Long An xảy ra 10 vụ sạt lở. Sạt lở, sụt lún đã gây thiệt hại nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông.