Giá vàng 14/11 tiếp đà trượt dốc: Dân vẫn xếp hàng đông nghịt, cửa hàng vàng có động thái mới
Sáng nay, 14/11/2024, tại các cửa hàng kinh doanh vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) người dân đến giao dịch không phải lấy số, được mua vàng “thoả thích” vì cửa hàng không giới hạn số lượng như những tháng trước đây.
Sáng nay, 14/11/2024, sau khi giá vàng thế giới giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống mức 2.564 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng không nằm ngoài xu thế đó. Giá vàng miếng SJC đã “bốc hơi” 500 nghìn đồng/lượng xuống còn 80-83,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), chênh lệch mua bán lên tới 3,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, nhẫn tròn trơn được các đơn vị kinh doanh điều chỉnh giảm từ 700 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/lượng, về mốc 80-82 triệu đồng/lượng (mua – bán) khiến ai mua ở đỉnh lỗ khoảng 10 triệu đồng/lượng.
Rất đông người đến xếp hàng mua bán tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) trong sáng nay.
Cụ thể, tính đến 11 giờ ngày 14/11, Phú Quý SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 80,4-82,4 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. Vàng nhẫn Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đang có giá 80,42-82,42 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 280 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Khi giá vàng giảm mạnh, ngay từ sáng sớm ngày 14/11/2024, khi một số cửa hàng kinh doanh vàng lớn còn chưa mở cửa giao dịch, hàng trăm người đã đến xếp hàng trên vỉa hè, trước cửa tiệm vàng để chờ giao dịch. Tuy nhiên, khác với cảnh xếp hàng lấy số, giới hạn số lượng cho khách đến mua vàng những ngày trước đó, các tiệm vàng hôm nay đã cho phép người dân được mua thoải mái, không hạn chế số lượng vàng nhẫn.
Nhiều người tranh thủ đến xếp hàng từ sớm do lo ngại cửa hàng giới hạn số lượng vàng bán ra hoặc hạn chế mua vào khi giá vàng xuống thấp.
Lượng người kéo đến cửa hàng vàng ngày một đông mặc dù chưa mở cửa giao dịch.
Phần lớn khách đến xếp hàng để mua vàng.
Những người đến bán vàng được vào giao dịch từ lúc 9 giờ sáng, khách đến mua vàng phải xếp hàng chờ thêm ở bên ngoài.
Dòng người mỗi lúc một kéo dài, đứng hết vỉa hè, xuống cả lòng đường khi cửa hàng chưa mở cửa.
Khi mở cửa giao dịch, khách không cần lấy phiếu, xếp số như mọi ngày nên nhiều người chen lấn, xô đẩy để được vào mua bán nhanh nhất.
Đa số khách đến để mua vàng trong sáng nay.
Đi thêm một đoạn xuống phía dưới, cửa hàng ở đây cũng đông đúc không kém khi hàng trăm người xếp hàng ra tận cửa.
“Hôm nay cửa hàng không giới hạn số lượng, khách mua bán bao nhiêu cũng được nhưng chỉ giao dịch nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu, không giao dịch vàng miếng SJC”, nhân viên cửa hàng thông báo.
“Mấy tháng liền họ bắt xếp hàng, lấy số, bán vài chỉ một lần. Hôm qua tôi đi xếp hàng cũng vẫn phải lấy số, mua tối đa 2 lượng/người, hôm nay thì mua thoải mái, chỉ sợ không có tiền mua”, anh Tú, trú tại Long Biên (Hà Nội) cho hay.
Ngồi xếp hàng chờ bán 1 lượng vàng nhẫn, anh Quân, trú tại Ba Đình (Hà Nội) cho biết, số vàng này anh mua từ năm 2022 với giá 53 triệu đồng/lượng. Sáng nay, anh bán ra với giá 80,4 triệu đồng/lượng, lãi 27,4 triệu đồng.
“Lúc vàng nhẫn lên 89,6 triệu đồng/lượng thì tôi chưa cần đến tiền nên chưa bán, giờ đi mua xe mới bán chứ không thì bán làm gì. Ai mà biết được giá sẽ lên hay xuống mà bán trước”, anh Quân nói.
Lúc 9 giờ sáng, giá vàng mở cửa giao dịch ở mức 80,52-82,67 triệu đồng/lượng (mua – bán), đến 11 giờ, giá giảm tiếp xuống còn 80,42-82,42 triệu đồng/lượng.
Sáng 14/11, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 79,7 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội thuộc lĩnh vực Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là chống vàng hóa, các giải pháp đưa ra sẽ khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.
Khi người dân nắm giữ vàng, thì số tiền đó trở thành “tiền chết”, nhưng nếu chuyển hóa sang VND, thì sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực khác như gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng cho vay sản xuất – kinh doanh, hoặc đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán để phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng.
Hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.
Về giải pháp căn cơ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.