Dư địa tăng của vàng vẫn còn, giá có thể lên 110 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần có chiến lược rõ ràng, tránh tâm lý chạy theo đám đông và tính toán kỹ rủi ro trước khi quyết định mua vào.
Ngày 14/4/2025, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Mốc 110 triệu đồng/lượng của giá vàng: Chuyên gia dự báo gì?”. Nội dung như sau:
Phiên giao dịch ngày 14/4, các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng tại 104,5-107 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 500.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua và bán được thu hẹp về còn 2,5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức giá kỷ lục của vàng miếng từ trước đến nay.
Giá vàng miếng sáng nay tăng với biên độ cao hơn nhiều, trong khi giá nhẫn trơn chỉ thay đổi vài trăm ngàn đồng mỗi lượng. Theo đó, vàng miếng SJC sáng nay vênh hơn 1-2 triệu đồng mỗi lượng so với vàng nhẫn trơn. Vàng nhẫn trơn được niêm yết quanh 101,5-104,5 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng neo quanh vùng đỉnh, duy trì ở mức 3.235 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá bán chưa tính thuế, phí, kim loại quý tương đương 101,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới dao động từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/ lượng.
Mốc 110 triệu đồng/lượng vàng có thể đạt được
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã đẩy giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục mới, kéo giá trong nước tăng mạnh. Kim loại quý được cho là vẫn còn dư địa tăng tiếp khi danh sách các tài sản trú ẩn an toàn ngày càng thu hẹp.
Ông Hiếu phân tích, giá vàng gây bất ngờ cho giới đầu tư tài chính trong bối cảnh căng thẳng thuế quan chưa giảm nhiệt. Các nhà đầu tư tìm đến vàng như một nơi trú ẩn trong căng thẳng thương mại toàn cầu.
Vàng thế giới neo ở vùng đỉnh (Ảnh: Tiến Tuấn).
“Cú hích” đầu tiên cho giá vàng đến từ các biện pháp thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong nỗ lực bảo vệ sản xuất nội địa và thu hẹp thâm hụt thương mại, ông Donald Trump đã áp thuế trả đũa đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, gây nên làn sóng biến động dữ dội trên thị trường tài chính toàn cầu.
Có thời điểm làn sóng bán tháo thu hồi vốn trong bối cảnh chứng khoán sụp đổ đã khiến giá vàng quay đầu điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, giữa tuần vừa rồi, khi Tổng thống Trump bất ngờ hoãn áp thuế với hàng chục quốc gia (trừ Trung Quốc), giá vàng lại nhanh chóng hồi phục.
Thêm vào đó, việc đồng USD suy yếu mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng góp phần quan trọng đẩy giá vàng lên cao. Khi đồng bạc xanh mất giá, vàng vốn được định giá bằng USD sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.
Hơn thế nữa, sự e ngại căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế đang khiến thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Điều này tạo thêm áp lực đối với đồng USD và làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn là một kênh trú ẩn truyền thống trước đây. “Yếu tố này càng thúc đẩy giá vàng tăng cao”, chuyên gia nhận định quyết định giảm lãi suất sẽ tác động tích cực đến giá vàng trong nửa cuối năm.
Ông Hiếu cho rằng rất khó để dự báo về thời điểm kết thúc chuỗi tăng của giá vàng. Theo ông, không có mức “trần” giá vàng. Ông cho rằng kim loại quý đang hướng tới mốc 3.300 USD/ounce. “Mốc 3.500 USD/ounce thì cần thêm thời gian. Tuy nhiên, nếu những yếu tố hỗ trợ giá vàng hiện hữu, nhà đầu tư không cần chờ quá lâu, ngay trong năm 2025 có thể đạt mốc này”, ông Hiếu nêu.
Với vàng trong nước, ông cho rằng mốc 110 triệu đồng/lượng là chưa từng có tiền lệ nhưng có khả năng đạt được trong năm nay.
Giá vàng miếng SJC lên 107 triệu đồng (Ảnh: Thành Đông).
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định thị trường vàng Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường vàng thế giới. Theo vị này, Việt Nam không sản xuất vàng mà chủ yếu nhập khẩu vàng. Việc nguồn cung vàng miếng và vàng nhẫn bị hạn chế, trong khi nhu cầu tích trữ rất lớn, là động lực đẩy giá vàng lên cao.
Yếu tố nào có thể làm vàng giảm giá?
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra một số yếu tố có thể khiến kim loại quý quay đầu giảm.
Thứ nhất là câu chuyện Mỹ và Trung Quốc có thể ngồi lại bàn đàm phán với nhau. “Khi những căng thẳng thương mại được xoa dịu, các nhà kinh doanh vàng sẽ chốt lời bất cứ lúc nào”, ông Hiếu nêu. Theo đó, khi những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng nóng thời gian qua được giải quyết, giá vàng sẽ quay đầu sụt giảm.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo, giá vàng sẽ không tăng giá mãi hoặc giảm mãi, sẽ luôn có điều chỉnh bất ngờ. “Nếu nhà đầu tư xác định mua vàng tích lũy, tiết kiệm lâu dài, không quan tâm tới đầu cơ thì luôn có thể xuống tiền. Vàng hiện tại không phải kênh phù hợp để lướt sóng ngắn hạn”, vị này nêu.
Các chuyên gia cũng lưu ý người mua vàng thời điểm này cần theo dõi sát thị trường trước khi quyết định mua vào, vì hiện nay chênh lệch mua vào – bán ra ở mức khá cao, khoảng 3 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người mua vàng. Bên cạnh đó, khi nhu cầu mua vàng tăng, số lượng bán có hạn, sẽ xuất hiện tình trạng lừa đảo, bán vàng giả để chuộc lợi.
Người mua vàng được khuyên cần đánh giá kỹ thời điểm vào lệnh để tránh rủi ro mua đỉnh. Nhà đầu tư cần có chiến lược rõ ràng, tránh tâm lý chạy theo đám đông và tính toán kỹ rủi ro trước khi quyết định mua vào.
Cùng ngày, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng SJC phá kỷ lục, 107 triệu đồng/lượng”. Cụ thể như sau:
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Doji cùng niêm yết giá vàng miếng SJC 104,5 – 107 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng mạnh 1,5 triệu đồng/lượng mua vào và 500.000 đồng/lượng bán ra so với đầu giờ sáng. Chênh lệch mua – bán giảm từ 3,5 triệu đồng còn 2,5 triệu đồng/lượng.
Riêng Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 103 – 107 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán duy trì 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC phá kỷ lục lên mốc 107 triệu đồng/lượng (ảnh: Như Ý).
Giá vàng nhẫn cũng có mức tăng tương đương. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 102,1 – 105,6 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với đầu giờ sáng. Chênh lệch mua – bán 3,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 101,6 – 105,1 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 3.237 USD/ounce, tăng 18 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Trong tuần qua, giá vàng thế giới có chuỗi tăng sốc, vượt mọi dự báo của giới chuyên gia.
Theo các chuyên gia kinh tế, “cú hích” đầu tiên cho giá vàng đến từ các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong nỗ lực bảo vệ sản xuất nội địa và thu hẹp thâm hụt thương mại, ông Trump đã áp thuế trả đũa đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, gây nên làn sóng biến động dữ dội trên thị trường tài chính toàn cầu.
Diễn biến thị trường cho thấy, sau khi vàng đạt đỉnh hồi đầu tháng này ở thời điểm Tổng thống Trump công bố mức thuế quan mới, một làn sóng bán tháo thu hồi vốn trong bối cảnh chứng khoán sụp đổ đã khiến giá vàng quay đầu điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, đến giữa tuần trước, khi Tổng thống Trump bất ngờ hoãn áp thuế với hàng chục quốc gia (trừ Trung Quốc), giá vàng lại nhanh chóng hồi phục.
Thêm vào đó, việc đồng USD suy yếu mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng góp phần quan trọng đẩy giá vàng lên cao. Khi đồng bạc xanh mất giá, vàng – vốn được định giá bằng USD – trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.
Hơn thế nữa, tâm lý là một yếu tố quan trọng khi sự e ngại một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế đang khiến thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Điều này tạo thêm áp lực đối với đồng USD và làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn là một kênh trú ẩn truyền thống trước đây.
Việc giá vàng thế giới tăng khiến giá vàng trong nước tăng theo. Tuy nhiên, một tuần qua, giá vàng miếng SJC có mức tăng mạnh hơn vàng nhẫn. Hiện, giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn nới rộng gần 2 triệu đồng/lượng.