TP.HCM: Gửi con vào mái ấm, 2 người mẹ trình báo công an nghi con bị ‘mất tích’

TP.HCM: Gửi con vào mái ấm, 2 người mẹ trình báo công an nghi con bị \’mất tích’

Gửi 2 con ở Mái ấm tình thương Quan Âm (Q.12, TP.HCM), sau đó 2 người mẹ đến thăm nhưng bị từ chối nhiều lần, liên lạc chủ mái ấm không được nên đến công an trình báo nghi con bị \’mất tích\’.

Báo Thanh Niên ngày 25/10 đưa thông tin với tiêu đề: TP.HCM: Gửi con vào mái ấm, 2 người mẹ trình báo công an nghi con bị \’mất tích’. Với nội dung như sau:

Ngày 24.10, chị A. (33 tuổi) và chị T. (31 tuổi) đến Báo Thanh Niên cầu cứu về việc không rõ tung tích con, nghi ngờ con đã bị mất tích hoặc bị bán khi gửi tại Mái ấm tình thương Quan Âm (đường Nguyễn Thị Búp, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM).

PV Thanh Niên đã cùng 2 người mẹ đến mái ấm tình thương Quan Âm để tìm hiểu sự việc.

“Đang thời gian nhạy cảm, mái ấm không thể nói con ở đâu” (!?)

Cuối năm 2023, chị A. và chị T. (không quen biết nhau) mang thai và được chủ Mái ấm tình thương Quan Âm nhận chăm sóc, ăn ở tại mái ấm. Đến khoảng tháng 4.2024, 2 chị này sinh con và được chủ mái ấm chi trả viện phí.

Mái ấm tình thương Quan Âm (Q.12, TP.HCM) nơi xảy ra vụ việc

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Sau khi sinh con, ngày 6.4, chủ mái ấm cho mỗi người 6 triệu đồng và viết 1 bản cam kết (đã được in sẵn, 2 người mẹ chỉ điền tên, tuổi, quê quán, số CCCD, ký tên). Nội dung bản cam kết trình bày, do gia đình có hoàn cảnh gia đình khó khăn không nuôi dưỡng được con nên người mẹ gửi con vào Mái ấm tình thương Quan Âm (địa chỉ 222 – 224 Nguyễn Thị Búp, P.Hiệp Thành, Q.12). Gia đình cam kết sẽ không nhận lại con trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi con chưa đủ 18 tuổi.

Sau khi rời khỏi mái ấm, từ tháng 4 – cuối tháng 8, mỗi tháng, 2 người mẹ này đều đến mái ấm để thăm con. Tuy nhiên, từ tháng 9.2024 đến nay, chị A. và chị T. nhiều lần nhắn tin với chủ và quản lý mái ấm xin được đến thăm con nhưng những người này tìm cách né tránh, từ chối và yêu cầu chờ.

“Con chờ đi, vì thầy gửi em (tức con – PV) vô mái ấm của người ta, khi làm xong mái ấm con đến thăm em nghe”, chủ mái ấm nói.

Suốt thời gian dài, 2 người mẹ mong tin tức con, muốn biết con đang gửi ở đâu, tình hình sức khỏe thế nào,… nhưng những người tại mái ấm từ chối, không trả lời.

“Em để ý thấy từ sau bài điều tra bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đăng trên Báo Thanh Niên thì Mái ấm tình thương Quan Âm bắt đầu có biểu hiện lạ. Từ lúc đó, em không được đến thăm con nữa”, chị A. trình bày.

Đến hôm 24.10, linh cảm của người mẹ thúc giục chị A. và chị T. phải gác lại mọi công việc, từ quê tìm đến Mái ấm tình thương Quan Âm quyết xin được gặp con hoặc ít nhất là biết tung tích của con.

Theo ghi nhận của chúng tôi, lúc 14 giờ cùng ngày, tiếp xúc với 2 người mẹ, chị D. (21 tuổi, ngồi tại bàn tiếp nhận thông tin trong Mái ấm tình thương Quan Âm), cho hay trước đó, chị thấy mái ấm này có nuôi nhiều trẻ sơ sinh. Nhưng hơn 1 tháng nay, các bé đã được chuyển đi đâu không rõ, đến hiện tại, nhóm trẻ nhỏ nhất tại mái ấm là 3 – 4 tuổi.

Tương tự, bà T. (52 tuổi, bảo mẫu vừa vào làm việc khoảng 1 tháng tại mái ấm), cho biết chưa từng thấy trẻ sơ sinh ở Mái ấm tình thương Quan Âm.

Còn ông Q. (bảo vệ tại mái ấm) chia sẻ, hơn 1 tháng nay, khoảng 40 trẻ từ vài tháng tuổi đến hơn 1 tuổi đã được chuyển đến một nơi nào đó ở tỉnh Bình Phước, trong đó 1 nhóm trẻ ở TP.Đồng Xoài, nhóm còn lại không rõ địa chỉ. Phương tiện chở trẻ và nhu yếu phẩm đi là chiếc xe cấp cứu (biển số 30A – 186.xx) và một chiếc ô tô khác.

Nam bảo vệ cho hay, đây là chiếc xe cấp cứu đã đưa trẻ rời khỏi Mái ấm tình thương Quan Âm

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Đến 14 giờ 37 cùng, bà Lập đến, xưng là người được “thầy Giàu là chủ mái ấm” ủy quyền, quản lý Mái ấm tình thương Quan Âm. Gặp bà Lập, PV ghi nhận có ít nhất 5 lần chị A. và chị T. trình bày, năn nỉ, van xin được cho gặp, thăm con hoặc biết tung tích con ở đâu, sức khỏe thế nào nhưng đều bị bà này từ chối.

Bà Lập cho hay, từ sau vụ Mái ấm Hoa Hồng, cơ quan chức năng đi kiểm tra các mái ấm. Do Mái ấm tình thương Quan Âm nuôi vượt quá số trẻ quy định nên các bé đã được chuyển đi gửi tại nơi khác.

Quá xúc động, 2 người mẹ tiếp tục cầu xin được biết thông tin về con nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và lời hứa hẹn của bà Lập: “Đang trong thời gian nhạy cảm, không thể nói con ở đâu. Chờ 2 tháng nữa quay lại sẽ được gặp con”.

Theo hướng dẫn của bà Lập, 2 người mẹ gọi vào số điện thoại của thầy Giàu, nhưng đều không liên lạc được.

Công an Q.12 vào cuộc

Suốt gần 2 tháng không rõ tung tích con, nghi ngờ con bị mất tích hoặc đã bị bán, để sớm ngăn chặn hành vi sai phạm hoặc hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, chị A. và chị T. đã đến Công an P.Hiệp Thành (Q.12) trình báo vụ việc.

Lực lượng chức năng có mặt tại Mái ấm tình thương Quan Âm chiều 24.10

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Làm việc với công an, bước đầu, chị A. và chị T. cung cấp một số giấy tờ có liên quan. Theo trình báo, 2 người mẹ nghi ngờ con họ bị mất tích hoặc đã bị bán, không rõ tung tích. Cũng theo nội dung trình báo, 2 người mẹ này có một thời gian dài ở trong mái ấm và chứng kiến các bé tại đây bị đánh.

Công an P.Hiệp Thành cho hay, thời gian gần đây, họ nắm được thông tin một số bà mẹ khác cũng gặp phải tình trạng tương tự chị A. và chị T. Chiều 24.10, PV ghi nhận Công an P.Hiệp Thành có mặt tại Mái ấm tình thương Quan Âm.

Liên quan vụ việc, ngay trong chiều tối 24.10, Công an Q.12 (TP.HCM) đã nắm được thông tin vụ việc, cử cán bộ đến Công an P.Hiệp Thành phối hợp xác minh làm rõ.

Công an có mặt tại mái ấm sau trình báo của chị A. và chị T.

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Bùi Quốc Tuấn và một số luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, giấy cam kết của mái ấm với 2 người mẹ là chưa đúng với quy định của pháp luật, bởi do hoàn cảnh khó khăn họ chỉ gửi con vào mái ấm, chứ không có phải là cho con.

Trong trường hợp nói trên, mái ấm đã tước đi quyền làm mẹ của chị A. và chị T. là vi phạm pháp luật. Căn cứ nội dung này, 2 người mẹ nên trình báo công an địa phương để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Nếu mái ấm đã bán hoặc cho con cho người khác, tùy theo tính chất mức độ mà giải quyết – mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mua bán người được quy định tại điều 150 bộ luật Hình sự 2015.

Trong trường hợp mái ấm ngăn cản 2 người mẹ gặp con, điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ và con: “Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con”.

Tiếp đến, báo Dân Trí cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Hai người mẹ trình báo nghi con mất tích khi gửi vào Mái ấm Quan Âm ở TPHCMNội dung được báo đưa như sau:

Ngày 25/10, Công an quận 12 phối hợp với Công an phường Hiệp Thành xác minh, điều tra đơn của 2 người mẹ trình báo về việc mất liên lạc với con của họ khi gửi vào Mái ấm tình thương Quan Âm.

Theo nội dung trình báo, chị T. (31 tuổi) và chị A. (33 tuổi) mang thai vào năm 2023 và được chủ Mái ấm tình thương Quan Âm nhận chăm sóc đến khi sinh con vào tháng 4.

Sau đó, chủ mái ấm cho mỗi người 6 triệu đồng và ký cam kết hai người mẹ sẽ không nhận lại con khi trẻ chưa đủ 18 tuổi. Sau đó, hàng tháng, 2 người mẹ thường đến mái ấm để thăm con.

Tuy nhiên, chị T. và A. trình bày từ tháng 9 đến nay, cả 2 không được gặp con. Liên hệ với chủ cơ sở nhưng 2 người mẹ không được hỗ trợ thăm con, phía mái ấm cũng tìm cách né tránh. Nghi ngờ con bị mất tích, họ đến Công an phường Hiệp Thành, quận 12, để trình báo vụ việc.

Theo nhà chức trách, bước đầu ghi nhận có 2 người mẹ trình báo con của họ bị mất tích sau khi đưa vào mái ấm này, ngoài ra có một số thông tin về việc nhiều phụ huynh khác cũng bị mất liên lạc với con. Do đó, lực lượng chức năng đang khẩn trương làm rõ.