Miễn học phí cho con giáo viên: Hợp lý với giáo viên, bất công với xã hội

“Đề xuất này hợp lý với giáo viên, nhưng là bất công với tất cả phần còn lại của xã hội”, độc giả Dân trí bình luận về đề xuất mới nhất của Bộ  Giáo dục & Đào tạo.

Theo báo Dân trí, tại dự thảo Luật Nhà giáo mới được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) xin ý kiến Quốc hội, một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí  cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học. Việc miễn giảm thực hiện ở các cơ sở giáo dục công lập, chưa áp dụng tại các cơ sở giáo dục dân lập.

Sau khi được đưa ra, dự thảo vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân. Trong đó, phần lớn bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng đề xuất nêu trên sẽ gây ra những sự bất công, tạo ra những rào cản vô hình trong xã hội

Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình Quốc hội vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân (Ảnh: Media Quốc hội).

“Muốn quan tâm đến giáo viên thì hãy nâng lương, tăng phụ cấp cho họ”

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối, độc giả Bui Duy Chau viết: “Đề xuất này hợp lý với giáo viên, nhưng là bất công với tất cả phần còn lại của xã hội”.

Có chung cảm nghĩ, anh Nguyễn Ngọc Huy đặt câu hỏi: “Đề xuất như vậy là không công bằng trong khi lương của giáo viên bây giờ có khi còn cao hơn cả lương lực lượng vũ trang. Giáo viên 365 ngày đều ở nhà với con cái để dạy dỗ con học tập, còn người công tác trong ngành lực lượng vũ trang một năm xa nhà 350 ngày mà con cái vẫn đóng học phí”.

“Miễn học phí cho con giáo viên thì con của bộ đội, công an, bác sĩ… thì sao? Kinh phí hoạt động của trường công đều từ ngân sách, từ tiền thuế của dân đóng góp, trong đó có nhiều ngành nghề khác không chỉ giáo viên. Nhiều trường hợp con em của nông dân, người lao động đi học đại học còn không có tiền cho con đi học, vậy mà họ vẫn phải “nuôi” con giáo viên, giúp chi trả học phí. Thực sự phi lý, không công bằng với các ngành nghề khác”, anh Nguyễn Công Hải tiếp lời.

Khoá học trực tuyến tốt nhất

“Cùng hưởng lương ngân sách, ngành nào cũng có cái vất vả, nhọc nhằn riêng, mà sao ngành giáo dục hay kêu và hay đòi hỏi quá vậy? Đề xuất này phân biệt đối xử một cách khủng khiếp, cứ như con giáo viên là một đẳng cấp khác. Quy định này mà được thông qua thì chỉ tạo nên bất bình đẳng sâu sắc cho xã hội”, ý kiến phản biện tới từ chủ tài khoản ND Duong.

XEM THÊM:

Tiếp tục theo luồng quan điểm phản biện, anh Nguyễn Trọng Tuấn viết: “Nhà giáo là vậy, còn con của các cán bộ khác thì sao? Họ cũng làm 8 tiếng/ngày, cũng tiếp xúc với nhân dân, cũng gặp muôn vàn áp lực, con của họ vẫn phải đi học và chi phí thì vẫn phải chi tiêu. Tôi không có ý so bì, nhưng phải có sự công bằng giữa những người đang mang trên mình 4 chữ “Phục vụ nhân dân”. Đồng ý rằng nghề giáo có sự đặc thù, nhưng không phải vì thế mà phải vun vén tất  cho một nhóm đối tượng nào đó”.

Còn theo anh Tạ Ngọc Thắng, dưới góc nhìn kinh tế, mọi nghề đều cần được đối xử công bằng khi người lao động đều bỏ công sức, chất xám và nhận lại mức thu nhập tương xứng. Do đó, nếu quá ưu ái một cách phi lý đối với một nhóm ngành nghề nhất định sẽ vô tình làm hình thành một số giáo viên “ảo tưởng”, “ngáo quyền lực” như chính những trường hợp “cô giáo xin tiền mua laptop” vừa qua.

“Hãy đối xử công bằng, đề xuất nâng cao thu nhập nghề giáo sao cho xứng đáng. Đó mới là chìa khóa mở ra cánh cửa đầu tiên trong hành trình chấn hưng giáo dục”, độc giả này nhấn mạnh.

Còn dưới góc nhìn của một giáo viên, bạn đọc Trần Viết Nhi cũng không đồng tình với đề xuất của Bộ. Người này viết: “Tôi là giáo viên, được hưởng lợi nếu đề xuất này thành hiện thực. Tuy nhiên, tôi không đánh giá cao đề xuất này. Muốn quan tâm đến giáo viên thì hãy nâng lương, tăng phụ cấp cho họ và họ sẽ lo  cho con cái của họ. Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến giáo viên mầm non, những người luôn làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày nhưng bậc lương của họ đang được xếp thấp nhất”.

Cũng bày tỏ sự không hài lòng với đề xuất trên, anh Lưu Quốc Hưởng bình luận bằng giọng văn hài hước: “Tôi đang làm ở ngành điện, cũng phải đề xuất với cấp trên cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên ngành điện được miễn tiền điện. Rõ ràng là một đề xuất đã không đi vào lòng người”.

Dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối song dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng nhận về những phản hồi tích cực. Độc giả Thái Hằng bày tỏ việc hoàn toàn ủng hộ với đề xuất và cho rằng khi đời sống không tốt thì giáo viên khó lòng cho ra những “sản phẩm” tốt chính là con người.

Cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ, độc giả có nickname Chauhcm viết: “Trong số ít trục cốt lõi xây dựng một quốc gia, giáo dục là trục chính và luôn cần được nâng cao, khuyến khích. Tương lai của một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh của nền giáo dục. Vậy nên để giáo viên yên tâm công tác, có thể coi mọi đứa trẻ trong thiên hạ là con của mình, thì chế độ đãi ngộ tốt cho họ hoàn toàn chính đáng.

Nếu mức lương chưa đủ để đạt mục tiêu này thì dùng thêm các chính sách xã hội có thể. Mọi chính sách cần có sự sắp xếp ưu tiên, vì chưa một quốc gia nào trên thế giới có đủ nguồn lực để cào bằng. Nếu chính sách đưa ra được nghiên cứu thấu đáo, đặt giữa tổng thể bức tranh xã hội để cân nhắc, tôi tin mọi người sẽ hoan nghênh, đồng thuận”.