Lấy nhầm ô tô, người đàn ông ở Đắk Lắk lái xe đến công an trình báo

Do bất cẩn nên anh D. đã để chìa khóa trên ô tô và bị một người đàn ông lấy nhầm xe. Sau đó, người đàn ông này tự lái xe đến trụ sở công an trình báo.

Cụ thể, tối ngày 3/7, anh N.T.D. điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Huyndai i10 mang BKS 47A-410xx đến đậu trước trụ sở UBND phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, sau đó đi vào nhà.

Chiếc xe của anh D. và chiếc xe của người đàn ông đi nhầm giống nhau. Ảnh: TB

Do bất cẩn nên anh D. để chìa khóa trên xe. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, một người đàn ông đã đến mở cửa xe, nổ máy rồi lái đi.

Tuy nhiên, đến trưa ngày 4/7, người này mới nhận ra mình đi nhầm xe của anh D. nên đã mang ô tô đến công an trình báo.

Còn theo anh D, người lấy nhầm xe cũng đỗ ô tô cùng màu ngay bên cạnh nên đã nhầm.

Tối 4/7, Công an TP Buôn Ma Thuột xác nhận thông tin trên và cho biết, sau khi phát đi thông báo truy tìm ô tô của anh D, người đi nhầm đã đưa xe đến trụ sở công an TP Buôn Ma Thuột và chủ động trình báo.

Công an TP Buôn Ma Thuột đang giải quyết vụ việc theo quy định.

Hải Dương

XEM THÊM: Một Chủ tịch UBND xã trình báo bị lừa hơn 4,6 tỷ đồng

Ngày 5/7, Công an tỉnh Kon Tum cho biết điều tra vụ lừa đảo tài sản liên quan đến ông N.H.L – Chủ tịch UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Ông N.H.L trình báo bị lừa mất hơn 4,6 tỷ đồng sau khi tham gia vào một dự án phân phối sản phẩm điện tử giả mạo.

Theo trình báo của ông L, tháng 5/2024, ông làm quen với một người tự xưng là Nguyễn Yến qua ứng dụng Messenger. Người này giới thiệu mình là du học sinh tại Nhật Bản và mời ông tham gia vào hệ thống phân phối sản phẩm điện tử của Gum, một trung tâm thương mại lớn ở Nga.

Ngày 20/5, ông L chuyển 500 USD vào tài khoản của một người tên Trần Văn Khanh để đăng ký làm thành viên phân phối và bắt đầu nhận sản phẩm qua một phần mềm riêng. Ban đầu, ông được trả lại chiết khấu hai lần với tổng số tiền 3,1 triệu đồng, sau đó nộp 52 triệu đồng để nâng cấp lên thành viên Gold. Sau khi nâng cấp, ông L bắt đầu phân phối các sản phẩm có giá trị cao hơn nhưng phải chịu nhiều loại phí, bao gồm cả phí xác minh thông tin rửa tiền lên tới 30.000 USD.

Trong quá trình này, ông N.H.L đã nộp tiền gần 10 lần, với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Khi ông muốn rút tiền, họ yêu cầu ông nộp thêm các loại phí khác. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, ông N.H.L đã trình báo vụ việc lên Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum.

Công an tỉnh Kon Tum đang tích cực vào cuộc điều tra để làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.