Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, Trung tâm chống độc của BV mới tiếp nhận một bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân do sử dụng nhiệt kế thủy ngân sai cách.
Theo lời bệnh nhân L.T.H (34 tuổi, ở Hải Phòng), đêm 24/6, con chị H bị sốt nên chị lấy nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho con. Khi vẩy nhiệt kế, không may nhiệt kế bị vỡ và đâm trực tiếp vào ngón tay thứ 2 của bàn tay trái.
Sau 1-2 hôm, ngón tay trỏ của chị H bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bầm tím. Chị H tự mua thuốc về uống thì thấy tình trạng không thuyên giảm nên đã đến bệnh viện địa phương để thăm khám và điều trị.
Hình ảnh các hạt thủy ngân trong ngón tay bệnh nhân H. Ảnh: BNCC.
Chị H cho biết, bản thân cũng biết thủy ngân là kim loại nặng, có chất độc, nhưng không nghĩ lại độc đến mức như vậy. Chính vì vậy chị đã chủ quan, không đi khám ngay khi bị nhiệt kế đâm vào tay.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến – Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân H được chuyển đến từ bệnh viện địa phương trong tình trạng ngón 2 bàn tay trái sưng nề, có dấu hiệu của nhiễm khuẩn, nghi ngờ có hạt thủy ngân bên trong ngón tay. Kết quả chụp X-quang từ BV tuyến dưới cho thấy, hình ảnh ngón 2 bàn tay trái chứa nhiều hạt thủy ngân.
“Các bác sĩ của Trung tâm chống độc đã sử dụng kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời xét nghiệm để xác định lượng thủy ngân trong máu bệnh nhân. Sau đó, chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ của chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để tiến hành phẫu thuật và gắp hạt thủy ngân còn sót lại trong ngón tay của bệnh nhân H.
Vết rách cho nhiệt kế thủy ngân đâm vào tay rất nhỏ khiến bệnh nhân H chủ quan. Ảnh: BVCC.
Hiện bệnh nhân H đã tỉnh táo, không còn sốt, ngón tay không còn chứa hạt thủy ngân, bệnh nhân đã đỡ đau hơn rất nhiều. Dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong thời gian tới”, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến thông tin.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, trong trường hợp hạt thủy ngân không được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân H, sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, gây viêm nhiễm tại chỗ, thậm chí có trường hợp gây hoại tử phải cắt bỏ chi.
“Thủy ngân tồn tại trong mô sẽ hấp thu dần vào trong máu dẫn đến tình trạng ngộ độc thủy ngân. Nếu để kéo dài bệnh nhân có thể tổn thương não, tổn thương tim, tổn thương cơ…”, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến nói thêm.
Chị H. sau phẫu thuật đã hết sốt, đỡ đau hơn rất nhiều. Ảnh: Quỳnh Mai.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến khuyến cáo, chỉ cần một lượng rất nhỏ thủy ngân vào trong cơ thể cũng có thể gây nguy hiểm. Chính vì vậy khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân người dân cần cẩn thận không để vỡ, nếu không may bị vỡ cần xử lý đúng cách. Đặc biệt khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân cho trẻ cần có sự giám sát của người lớn, không để trẻ tự ý sử dụng.
“Để an toàn, người dân có thể sử dụng nhiệt kế điện tử thay nhiệt kế thủy ngân. Tuy nhiên cần lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến hướng dẫn.