Không có bằng cấp 3 nhưng có bằng Tiến sỹ, xử lý thế nào?

Ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa nhưng hiện có bằng Tiến sỹ liệu bị xử lý về hành vi gì?

Công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi Ban Tôn giáo Chính phủ nêu rõ, ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989, không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các văn bằng cấp cho người không đủ điều kiện sẽ bị thu hồi, hủy bỏ – luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Điều 25 của Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm… quy định, văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp:

Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; Cấp cho người không đủ điều kiện; Do người không có thẩm quyền cấp; Bị tẩy xóa, sửa chữa; Để cho người khác sử dụng; Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.

Khi đó, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ…

Với tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.

Mặt khác, theo Nghị định 04/2012/NĐ-CP, tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, trong vụ việc trên, cơ quan chức năng có thể xem xét, xử lý cá nhân vi phạm về hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.

Theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước; Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả; Chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu; Tiêu hủy trái phép con dấu.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-2 năm.

Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 3-7 năm

Để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan chức năng sẽ điều tra, xác minh cá nhân trong vụ việc là người đặt hàng (bằng cấp 3), giúp sức hay chủ mưu đặt hàng để làm bằng giả. Trường hợp bằng cấp mà đối tượng sử dụng là bằng giả nhưng phôi thật, chữ ký thật thì cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định và có thể khởi tố những người có liên quan khác…