Một ngân hàng mới đây đã phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mới mà khách hàng có thể là nạn nhân.
Ngày 10/10/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Hàng triệu chủ tài khoản ngân hàng lưu ý: Cẩn thận \’bay\’ sạch tiền trong tài khoản”. Nội dung cụ thể như sau:
Ngân hàng MB vừa phát ra cảnh báo dành cho các khách hàng về các chiêu thức lừa đảo mới. Theo đó, thời gian vừa qua, nhiều đối tượng giả danh shipper gọi điện cho khách hàng để giao hàng hoặc tặng thẻ của ngân hàng.
Theo MB, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này đó là đối tượng tự xưng là nhân viên giao hàng để giao. Hàng hóa muốn giao là hàng khách đặt hoặc quà tặng từ một đơn vị bán hàng. Hoặc, đó là quà tặng từ ngân hàng ví dụ như thẻ. Theo đó, khách hàng chỉ cần thanh toán phí giao hàng.
Đối tượng thường chọn lúc khách hàng không có mặt ở nhà, liên tục thúc giục khách hàng nhận hàng với lý do nếu không giao kịp, sẽ không đạt chỉ tiêu trong ngày. Khách hàng thường bị thuyết phục và thực hiện chuyển khoản thanh toán đơn hàng hoặc phí giao hàng.
Sau khi nhận được khoản thanh toán, đối tượng sẽ thông báo nhầm lẫn, rằng tài khoản nhận tiền là tài khoản hội viên chuyển phát, dẫn đến việc khách hàng bị trừ tiền hàng tháng cho gói cước hội viên này.
Đối tượng này sẽ gửi một đường link và số điện thoại giả mạo tổng đài ví dụ như 1900xxxx. Đối tượng yêu cầu khách hàng liên hệ để hủy gói hội viên và hoàn tiền. Khi truy cập đường link và cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng hoặc thẻ của khách hàng sẽ bị mất tiền.
MB khuyến cáo khách hàng: Không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không rõ thông tin như mã vận đơn, người nhận, hoặc đơn hàng không xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại trên mạng xã hội. Ngoài ra khách hàng không quét mã QR không biết rõ nội dung. Ngân hàng này cũng khuyến nghị người dùng không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc các thông tin từ tin nhắn đến, đồng thời cẩn trọng với lời mời gọi, tặng quà từ bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Người dùng cũng cần xác nhận thông tin với người bán qua kênh chính thức trước khi chuyển khoản và không click vào đường link nếu không xác minh rõ ràng thông tin của người yêu cầu.
Trước đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giả danh shipper chiếm đoạt tiền từ tài khoản”. Nội dung cụ thể như sau:
Đối tượng lừa đảo sẽ gửi đường link để lừa người mua hàng điền các thông tin theo hướng dẫn và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Chị Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) thường xuyên đặt mua hàng trên các trang thương mại điện tử. Vừa qua, một người gọi điện cho chị thông báo: “Chị có đơn hàng 151.000 đồng. Chị xuống sảnh nhận hàng”.
Đang giờ làm việc ở cơ quan nên chị Hà dặn shipper gửi hàng ở sảnh tòa nhà và chị thanh toán ngay bằng hình thức chuyển khoản.
Một lát sau người giao hàng điện thoại lại cho chị Hà thông báo: “Chị ơi, em giao nhầm, đơn hàng đó không phải của chị… Nhờ chị gửi lại số tài khoản để em nhờ công ty chuyển trả lại tiền”.
Sau đó, người này gửi đường link trên tin nhắn số điện thoại có chữ GHTK (giao hàng tiết kiệm). Theo phản xạ, chị Hà kích vào đường link vừa được cung cấp theo hướng dẫn của người giao hàng. Khi thực hiện xong, tiền trong tài khoản cá nhân của chị bị mất sạch.
Tương tự, chị Minh An (Hà Nội) cho biết đã nhận được điện thoại của bên giao hàng thông báo: “Em ship hàng cho chị. Phí ship 30.000 đồng”.
Thường xuyên mua hàng online nên chị An không mảy may nghi ngờ. Vì không có nhà, chị đã nhắn nhân viên gửi đồ dưới sảnh chung cư và gửi số tài khoản để thanh toán 30.000 đồng.
Vài phút sau, số điện thoại trên gọi lại, nói gửi nhầm tài khoản đăng ký hội viên của đơn vị giao hàng, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản.
Đồng thời, người tự nhận là shipper này cũng gửi kèm cho chị đường link nói là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên. Nhận thấy có điều bất thường, chị Minh An đã ngay lập tức dừng lại và xóa hết tin nhắn để tránh không bấm vào đường link xấu.
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt gần đây xuất hiện thủ đoạn giả danh shipper gọi điện cho khách hàng thông báo có đơn đặt hàng online rồi yêu cầu chuyển tiền thanh toán để chiếm đoạt.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội), đây là thủ đoạn lừa đảo mới. Các đối tượng lợi dụng các buổi livestream bán hàng để thu thập thông tin qua các bình luận công khai của khách hàng hoặc tìm kiếm mua bán thông tin khách từ các nguồn không chính thống.
Khi có được thông tin khách hàng, các đối tượng giả danh shipper của công ty vận chuyển uy tín để gọi điện cho nạn nhân và thông báo có đơn hàng cần giao, yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.
Sau đó, các đối tượng lừa đảo dẫn dắt người bị hại theo kịch bản soạn sẵn, khi khách hàng truy cập vào các ứng dụng phần mềm có mã độc thì bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng, mất quyền kiểm soát trên thiết bị điện tử (điện thoại di động).
Hệ quả là không chỉ số tiền bị lừa trước đó không được lấy lại mà còn tiếp tục mất thêm tiền cho những đối tượng lừa đảo này.