Giá vàng nhẫn rơi 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày
Giá vàng thế giới giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC trong nước cùng lao dốc không phanh.
Ngày 26/11/2024, Tạp chí Tri thức đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng nhẫn rơi 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày”. Nội dung cụ thể như sau:
Giá vàng nhẫn giảm mạnh tới 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày. Ảnh: Duy Hiệu.
Thị trường vàng thế giới vừa chứng kiến mức giảm ròng trong ngày lớn nhất 4 năm qua. Theo đó, chỉ trong 24 giờ qua, giá vàng thế giới giao ngay đã giảm tới 90 USD, để rớt xuống vùng 2.626 USD/ounce.
Giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex New York cũng ghi nhận mức giảm tương tự, hiện rớt về vùng giá 2.628 USD/ounce.
Biến động giảm mạnh mẽ này đánh dấu mức giảm giá hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020 của kim quý, trái ngược hoàn toàn với mức tăng mạnh 150 USD của tuần trước.
Nguyên nhân chính khiến giá vàng lao dốc là tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư tăng cao, kết hợp với hoạt động chốt lời mạnh mẽ từ các nhà giao dịch ngắn hạn. Thị trường tài chính Mỹ bắt đầu tuần giao dịch ngắn này với tâm lý đón chờ dịp Lễ Tạ ơn, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến giá kim quý.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng biến động trên thị trường vàng là khó đoán và phần nhiều vẫn đang phụ thuộc vào các thông tin kinh tế và chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh lạm phát và bất ổn địa chính trị, vàng có thể tăng trở lại khi là lựa chọn phòng ngừa rủi ro trong dài hạn.
Đà giảm mạnh của giá vàng thế giới cũng là nguyên nhân chính kéo giá vàng trong nước lao dốc trong phiên giao dịch sáng nay (26/11).
Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết ở mức 82,8 – 85,3 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 1,8 triệu đồng chiều mua và 1,3 triệu đồng ở chiều bán so với kết phiên liền trước. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất vàng miếng ghi nhận trong vòng 1 tháng qua.
Tương tự, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng kéo giá giao dịch vàng miếng giảm mạnh trong phiên sáng nay về mức tương đương SJC.
Dù giảm mạnh, đây vẫn chưa phải vùng giá thấp nhất mà vàng miếng SJC ghi nhận trong 1 tháng qua. Tại ngày 12/11, giá vàng miếng từng rớt xuống đáy của tháng ở 84,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn là mặt hàng có diễn biến tiệm cận với vàng thế giới nên không tránh khỏi đà lao dốc trong phiên sáng nay.
Tại SJC, giá vàng nhẫn 99,99 loại 1-5 chỉ đã giảm tới 1,3 triệu đồng ở chiều mua và 900.000 đồng ở chiều bán, kéo giá niêm yết chính thức xuống vùng 82,7 – 84,7 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Đáng chú ý, trong phiên liền trước, mặt hàng này cũng ghi nhận mức giảm cả triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, tính từ sáng hôm qua đến nay, giá vàng nhẫn tại SJC đã mất 2 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp khác như CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn DOJI, Tập đoàn Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Công ty Mi Hồng cũng đồng loạt giảm 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với vàng nhẫn sáng nay, kéo giá bán rơi khỏi mốc 85 triệu/lượng.
Ở chiều mua vào, các doanh nghiệp này chủ yếu niêm yết ở vùng gần 83 triệu/lượng.
Cùng ngày, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng lao dốc mạnh nhất, mất 2,5 triệu sau 1 đêm: Liệu có giảm tiếp?”. Nội dung cụ thể như sau:
Trong phiên giao dịch sáng 25/11 trên thị trường Mỹ (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay lao dốc không phanh, từ mức 2.690 USD/ounce xuống gần 2.610 USD/ounce, tương đương mức giảm 2,5 triệu đồng/lượng (từ 83,5 triệu đồng về 81 triệu đồng/lượng).
Đây là mức giảm hiếm có trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ vài tiếng đồng hồ. Cú sụt giảm diễn ra trong bối cảnh thị trường đang đánh giá những tín hiệu chính sách từ chính quyền mới của ông Donald Trump, cũng như những diễn biến địa chính trị tại nhiều điểm nóng.
Theo các chuyên gia trên Kitco, vàng giảm giá trước hết được cho là áp lực chốt lời sau khi mặt hàng này tăng mạnh khoảng 6,5% (khoảng 170 USD) trong tuần trước (vì căng thẳng Nga-Ukraine leo thang). Giới đầu tư thận trọng vào thời điểm Mỹ sắp công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC), trong đó có tín hiệu về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Áp lực bán cũng gia tăng trước khi các thị trường nghỉ lễ Tạ ơn vào cuối tuần này.
Việc ông Donald Trump chọn tỷ phú quỹ đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thay vì ông Howard Lutnick, được cho là đang làm thay đổi tâm lý trên thị trường. Giới quan sát thị trường diễn giải đây như một tín hiệu cho thấy ông Trump có thể có những chính sách thương mại bớt hà khắc hơn so với tuyên bố, đặc biệt với Trung Quốc.
Ông Scott Bessent được đánh giá là một nhà điều hành thận trọng và có quan điểm ưu tiên giảm thuế trong nước, cắt giảm chi tiêu và duy trì vị thế của đồng USD.
Giá vàng thế giới lao dốc, vàng trong nước cũng giảm mạnh. Ảnh: MH
Trên Kitco, chuyên gia đến từ Ngân hàng Saxo Bank, cho rằng danh tiếng của Bessent như một người theo chủ nghĩa thắt chặt tài chính có khả năng mang lại sự ổn định cho kinh tế Mỹ. Quan điểm của ông Bessent có thể làm giảm sự lo lắng của các nhà đầu tư về tình hình nợ của Mỹ, do đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng thời xuất hiện thông tin Israel và Lebanon chuẩn bị ngừng bắn.
Các thông tin dồn dập đến đã kéo giá vàng giảm mạnh, qua đó kích hoạt hoạt động bán khống nhấn chìm mặt hàng kim loại quý này.
Trung Đông bất ngờ đón nhận tin tốt và căng thẳng trong khu vực này có thể hạ nhiệt sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn mới với nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon “về nguyên tắc”.
Các bên liên quan đang đàm phán về các chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn trong 60 ngày. Dù vậy, đây là tín hiệu tích cực đầu tiên trong nhiều tháng qua.
Thông tin từ Lầu Năm Góc cho hay không có dấu hiệu cho thấy lính Triều Tiên hiện diện tại Ukraine và việc hạ nghị sĩ Mike Waltz – người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia – đã vạch ra chiến lược của chính quyền mới để giải quyết xung đột Nga-Ukraine… cũng được xem là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, xung đột địa chính trị vẫn là một yếu tố tiềm ẩn có thể bùng phát bất cứ lúc nào và đẩy giá vàng lên trở lại. Đàm phán Israel và Lebanon mới chỉ bước đầu. Tình hình Nga-Ukraine vẫn không ngừng leo thang.
Về mặt kinh tế, giới đầu tư cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp FOMC tháng 11 của Fed để phân tích tín hiệu chính sách tiền tệ của Mỹ. Trong tuần này, Mỹ sẽ công bố dữ liệu GDP sửa đổi và số liệu chỉ số tiêu dùng cá nhân PCE cốt lõi. Nó sẽ quyết định Fed có đẩy nhanh hạ lãi suất hay không, qua đó tác động tới USD và vàng.
Trong năm 2025, nhiều chuyên gia vẫn giữ quan điểm vàng tiếp tục tăng giá. Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa và kinh tế vĩ mô của WisdomTree – ông Nitesh Shah chia sẻ trên Kitco kỳ vọng đồng USD sẽ giảm trong năm 2025 và qua đó đẩy giá vàng đi lên.
Theo chuyên gia này, trong nhiệm kỳ 1, các chính sách của ông Trump đã đẩy đồng USD lên cao. Tuy nhiên, lần này sẽ khác bởi thâm hụt ngân sách của Mỹ đang tăng mạnh. Các nhà đầu tư sẵn sàng quay lại mua vàng bất cứ lúc nào. Nitesh Shah dự báo vàng sẽ lên mức 2.850 USD/ounce vào quý IV/2025.
Nitesh Shah cũng đề cập tới khả năng vàng lên 3.000 USD, nhưng cho rằng cần có điều kiện lợi tức trái phiếu Mỹ giảm mạnh.
Cũng theo Nitesh Shah, các chính sách mà ông Trump đề cập, bao gồm giảm thuế, đều dẫn tới lạm phát sẽ tăng – một yếu tố tích cực đối với vàng.
Một điều cũng đáng chú ý, theo Shah, là giới đầu tư đang chờ Trung Quốc quay trở lại thị trường vàng. Theo đó, Bắc Kinh sẽ không thể chờ vàng xuống thấp nhiều hơn nữa bởi như thế sẽ phải chờ đợi mãi mãi.
Sáng 26/11, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tiếp tục giảm. Giá bán vàng miếng SJC giảm thêm 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua vàng so với chiều qua xuống 82,8 triệu đồng/lượng. Chiều bán ra giảm 1,3 triệu đồng xuống 85,3 triệu đồng/lượng. Hôm qua, SJC đã giảm 400.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng giảm từ 1,2-1,5 triệu đồng/lượng so với chiều qua. Vàng nhẫn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu xuống 82,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84,6 triệu đồng/lượng (bán ra).