\’Cô tiên\’ Trúc Phương có vai trò gì trong đường dây ma túy 28.000 tỷ đồng qua đường hàng không?
Việc bắt tạm giam Nguyễn Đỗ Trúc Phương là kết quả mở rộng điều tra đường dây vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam.
Ngày 15/11/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “\’Cô tiên\’ Trúc Phương có vai trò gì trong đường dây ma túy 28.000 tỷ đồng qua đường hàng không?”. Nội dung cụ thể như sau:
\’Cô tiên\’ Trúc Phương là \’mắt xích cuối\’ trong đường dây vận chuyển ma túy
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM mới đây đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Đỗ Trúc Phương (30 tuổi, cư trú tại quận 1, thường được biết đến với biệt danh “cô tiên từ thiện”) với cáo buộc liên quan đến hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Liên quan đến vụ việc, nhiều đối tượng khác cũng đang bị điều tra trong quá trình mở rộng chuyên án nhưng công an chưa công bố. Việc công khai bắt giữ bị can này được cho là do người này có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Nguyễn Đỗ Trúc Phương khi bị bắt. Ảnh: CA TPHCM
Báo Vietnamnet dẫn thông tin từ Công an TP.HCM, Nguyễn Đỗ Trúc Phương cùng một số cá nhân có liên quan đến đường dây ma túy quốc tế, vận chuyển từ Pháp về Việt Nam thông qua đường hàng không, được phát hiện vào giữa tháng 3/2023.
Bị can được xác định là “mắt xích” cuối trong đường dây ma túy này, từng mua ma túy từ các đối tượng đã bị bắt để sử dụng. “Cô tiên” Nguyễn Đỗ Trúc Phương cũng bị công an xác định là mua ma túy để tụ tập sử dụng cùng một số người, ZNews cho hay.
Dựa trên lời khai của các đối tượng đã bị bắt và qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT đã tổ chức phục kích, bắt giữ các đối tượng tiêu thụ để củng cố chứng cứ, đảm bảo xử lý theo pháp luật, đồng thời nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Trong Chuyên án VN10, công an đã khởi tố hơn 1.100 đối tượng
Công an TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh điều tra, mở rộng và truy quét toàn bộ đường dây vận chuyển ma túy trái phép từ Pháp về Việt Nam qua đường hàng không, do Cục Hải quan TP phát hiện vào ngày 16/3/2023 (Chuyên án VN10).
Qua quá trình theo dõi “dòng chảy” ma túy từ các “ông trùm”, Ban Chuyên án đã triệt phá thêm 146 đường dây, băng nhóm mua bán và vận chuyển trái phép ma túy hoạt động ở nhiều quận, huyện, tỉnh thành, qua đó khởi tố thêm 630 bị can.
Tính đến nay, kết quả đấu tranh chuyên án đã phá gần 500 đường dây và băng nhóm ma túy, khởi tố 1.132 bị can, xử phạt hành chính và lập hồ sơ đưa đi cai nghiện cho 201 đối tượng; thu giữ 323,5 kg ma túy các loại, 12 khẩu súng, 3 quả lựu đạn cùng nhiều tang vật khác; bước đầu làm rõ các giao dịch mua bán ma túy có giá trị lên đến hơn 28.000 tỷ đồng.
Chuyên án VN10 được thành lập sau khi phát hiện ma túy được ngụy trang, vận chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không. Ảnh: Hải QuaN TP.HCM
Trước đó, vào ngày 16/3/2023, khi kiểm tra hành lý của hành khách và phi hành đoàn nhập cảnh trên chuyến bay VN10 của Vietnam Airlines từ Pháp về Việt Nam, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu – Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM), phối hợp với các đơn vị liên quan, đã phát hiện trong hành lý của 4 tiếp viên hàng không có chứa hơn 11 kg ma túy.
Số ma túy tổng hợp này được các đối tượng ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng và nước súc miệng, sau đó thuê các tiếp viên hàng không mang về Việt Nam.
Trước đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Từ \’cô tiên\’ từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương đến tổ chức sử dụng ma túy”. Nội dung cụ thể như sau:
Ngày 14/11, Công an TPHCM thông tin về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đỗ Trúc Phương (SN 1994, ngụ quận 1) về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Thông tin về việc Phương bị bắt khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi thời gian qua, nữ bị can xây dựng cho mình hình tượng “cô tiên” thiện nguyện trên mạng xã hội.
Đam mê làm thiện nguyện
Nguyễn Đỗ Trúc Phương sinh ra trong một gia đình khá giả ở quận 1, TPHCM. Điều kiện kinh tế vững vàng khiến cô không cần bận tâm đến cơm áo gạo tiền. Sau 10 năm du học ở Australia, cuối năm 2019, Phương trở về gia đình quản lý công việc kinh doanh.
Sau đó, cô bén duyên với công việc thiện nguyện khi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu, cô chỉ chia sẻ bằng tiền của mình, sau đó kêu gọi người thân, bạn bè cùng chung tay. Sau đó, Phương cho rằng, việc làm thiện nguyện một mình không giúp được cho nhiều người, do đó cô chia sẻ hoàn cảnh nhân vật cụ thể lên mạng xã hội, để kêu gọi sự chung tay của mọi người.
Nguyễn Đỗ Trúc Phương lúc chưa bị bắt (Ảnh: Nam Thái).
Trong 3 năm đầu làm thiện nguyện, Phương cho biết, bản thân đã kêu gọi hỗ trợ cho khoảng 100 người, với số tiền dưới 10 tỷ đồng. Trong đó, có các trường hợp đặc biệt như: “Chú Hải chạy xe ôm”, “ông Minh cô đơn”, “anh Phạm Văn Tâm (ngụ Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn vì liều mình đi bắt rắn kiếm tiền đóng học cho con”, “ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá”…
Riêng trường hợp “ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá”, Phương đã kêu gọi quyên góp được hàng tỷ đồng, có thời điểm chỉ trong vòng 1 giờ, số tiền ủng hộ đã được 700 triệu đồng.
Nhờ những việc làm thiện nguyện của mình, Phương đã được cộng đồng mạng đặt cho những danh xưng “nàng thơ”, “thánh nữ”, “nữ bồ tát”. Tuy nhiên, Phương nhiều lần trao đổi với truyền thông rằng, cô không hề thích thú với những lời ngợi ca hay sự tung hô này mà chỉ hy vọng được làm từ thiện như một người bình thường.
“Từ nhỏ, mình đã nhìn thấy ba mẹ mình giúp đỡ người khác nên mình cũng được ảnh hưởng và học được đức tính này. Nghe mẹ kể, lúc Phương còn nhỏ thấy người già nằm trước cửa nhà thì mình đã chạy lên nhà lấy áo của mẹ để đem xuống đắp cho người ta. Rồi có nhiều người già bán vé số đi ngang qua nhà là Phương cứ hẹn các cô chú là 8h tới ngồi đây rồi con bới cơm ra cho ăn nha”, Trúc Phương từng chia sẻ trên Dân trí.
Đăng tải quá trình làm từ thiện
Sự nổi tiếng giúp Phương có thêm sức mạnh trong công việc thiện nguyện của mình, nhưng cũng kéo theo những tai tiếng. Cô từng nhận nhiều lời gièm pha, chỉ trích của một số người trên mạng xã hội. Họ cho rằng Phương đang mượn việc từ thiện để tự quảng cáo bản thân, sống ảo.
Tuy nhiên, Phương cho biết, cô bỏ ngoài tai những lời nói tiêu cực, bởi cô cho rằng thiện nguyện là việc tốt, không phải vì ý kiến của một số người mà phải dừng lại.
Trong một lần trả lời phỏng vấn trên Dân trí, Phương cho biết cô thường tự trấn an bản thân, việc mình làm thì mình biết thôi, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, mình không thể nào áp đặt người ta phải suy nghĩ theo cách của mình được, nên mọi người muốn nói sao thì nói.
Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị bắt về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Ảnh: Thuận Thiên).
Ngoài ra, cách làm thiện nguyện của Phương cũng khác so với số đông. Phương không trao hết toàn bộ số tiền quyên góp được mà thường đến tận nơi, xem điều kiện sống của các trường hợp, hỏi họ cần gì. Ngoài ra, Phương cũng đưa họ đi siêu thị, mua đồ dùng hay đưa họ đi ăn ngon, rồi mới trao tiền cho họ trang trải.
Ngoài việc sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook với tên Trúc Phương Nguyễn Đỗ với hơn 500.000 lượt người theo dõi để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị can còn có tài khoản TikTok gần 200.000 người theo dõi.
Trên kênh TikTok, Trúc Phương đăng tải hàng trăm clip ghi lại cuộc gặp gỡ các cụ già có hoàn cảnh khó khăn và chi tiền mạnh thường quân quyên góp, gửi đến các hoàn cảnh cần giúp đỡ. Một số clip trên tài khoản này đạt hơn 6 triệu lượt xem. Đồng thời, bị can còn có kênh YouTube với tên Trúc Phương Nguyễn Đỗ nhưng lượng người đăng ký không cao, cô ít đăng tải clip trên nền tảng này.
Khi trả lời báo chí về ý định trong tương lai, Phương cho biết bản thân hướng đến mở quỹ quyên góp cho những em bé nghèo ở vùng sâu vùng xa đến trường cũng như một số trường hợp đặc biệt ở đường phố TPHCM. Tuy nhiên, với việc bị Công an TPHCM bắt giữ, viễn cảnh để Phương thực hiện những điều trên trở nên xa vời.
Cùng với Nguyễn Đỗ Trúc Phương, Công an TPHCM cũng đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Trung Hiếu (ca sĩ Chi Dân), người mẫu Andrea Aybar – Nguyễn Thị An (An Tây) để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án liên quan đường dây vận chuyển ma túy về Việt Nam.