Áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực Đông Bắc của Bắc Biển Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm và có khả năng mạnh lên thành bão.
Ngày 4/7/2025, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Áp thấp nhiệt đới đổi hướng liên tục, khả năng mạnh thành bão trong 24 giờ tới”. Nội dung như sau:
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10h sáng nay (4/7), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chậm theo hướng Tây với tốc độ 5-10km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng Tây Bắc, 5-10km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10h sáng 5/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (khả năng thành bão) trên vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông, cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo thang đo cấp độ gió, cấp 8-9 sẽ hình thành bão, có vận tốc gió từ 61-68km/h và độ cao sóng từ 4-7m. Do đó, với dự báo cường độ gió này, khả năng đây là cơn bão số 2 trên Biển Đông trong mùa mưa bão năm 2025.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới cập nhật 11h sáng 4/7. Nguồn: NCHMF
Trong 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng, di chuyển theo hướng Đông Bắc, tốc độ 5-10km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 6/7, vị trí tâm bão vẫn trên vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông, cường độ mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Từ 48 đến 72 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Với hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành bão, các chuyên gia nhận định không có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tuy nhiên, do tác động bão/áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa giông và gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Sóng biển cao 3-5m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3m, biển động…
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Cùng ngày, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông, khả năng mạnh lên thành bão”. Cụ thể như sau:
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết sáng 4/7, vùng áp thấp trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 7h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,0 độ vĩ Bắc, 119,0 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Nhận định vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai).
Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm, hoạt động chủ yếu ở vùng Đông Bắc Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo dự báo, đến 7h ngày 6/7, áp thấp nhiệt đới đổi hướng Đông Đông Bắc và tăng cấp trên vùng biển phía Tây Nam đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa dông và gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Các chuyên gia dự báo năm nay có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 5-6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Miền Bắc có nguy cơ bị ảnh hưởng từ bão và áp thấp nhiệt đới khoảng tháng 7-9, Trung Bộ và Nam Bộ khoảng tháng 9-11.