Cầu treo đứt cáp do ảnh hưởng của mưa lớn.
Ngày 22 tháng 7 năm 2025, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Cầu treo đứt cáp, xe cán bộ xã đi chống bão rơi xuống sông”. Nội dung như sau:
Hơn 8h ngày 22/7, cầu treo Pa Thơm (xã Thanh Yên, tỉnh Điện Biên) bị đứt cáp một bên khiến xe bán tải chở ba cán bộ xã đi kiểm tra chống bão và một xe máy rơi xuống sông, đoạn qua bản Pa Xa Lào.
Người dân phát hiện kịp thời, ứng cứu đưa các nạn nhân lên bờ. Hai người bị thương nặng, một người bị thương nhẹ. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch xã Thanh Yên, cho biết ba cán bộ không nguy hiểm đến tính mạng, đang được chăm sóc y tế. Chiếc xe bán tải hiện vẫn dưới suối, chưa thể trục vớt.
Khu vực xảy ra sự việc có mưa nhưng không lớn, chưa xuất hiện lũ; cây cầu trước đó vẫn hoạt động bình thường.
Chiếc cầu treo bị đứt cáp khiến 3 người rơi xuống sông, sáng 22/7. Ảnh: Xuân Hoa
Cùng ngày, báo Lao Động cũng đăng tải bài viết với tiêu đề “Bão số 3 Wipha đã vào đến ven bờ Hải Phòng – Ninh Bình, giật cấp 12”. Nội dung như sau:
Dự báo cường độ mưa do bão số 3 Wipha gia tăng hôm nay 22.7. Nguồn vị trí bão: Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cô Tô có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cát Bà (đặc khu Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Quảng Hà có gió mạnh cấp 8; Tiên Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; trạm Thái Bình có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Phủ Liễn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Cập nhật hình ảnh vị trí và đường đi của bão Wipha cập nhật vào 8 giờ ngày 22.7. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Dự báo tối nay 22.7, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Hồi 7 giờ ngày 22.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 106,7 độ kinh đông, trên vùng biển ven bờ Hải Phòng – Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 15 km/giờ.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 10-15 km/giờ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 22.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 105,5 độ kinh đông, trên đất liền từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên biển là phía bắc vĩ tuyến 18,5 độ vĩ bắc, phía tây kinh tuyến 109,0 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3 với khu vực chịu ảnh hưởng gồm khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 10-15 km/giờ, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Đến 7 giờ ngày 23.7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,6 độ vĩ bắc; 103,8 độ kinh đông, sức gió dưới cấp 6.
Bão tiếp tục gây mưa lớn từ hôm nay đến ngày mai 23.7
Trên biển, vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m; biển động rất mạnh. Vùng biển nam vịnh Bắc Bộ bao gồm đảo Hòn Ngư có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11. Sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Vùng ven biển từ Hưng Yên đến Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5-1 m. Mực nước tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6 m, tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,1 m, tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5 m, tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4 m. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại khu vực ven biển, cửa sông vào trưa và chiều ngày 22.7.
Cảnh báo, thời tiết trên biển và vùng đất liền ven biển trong bão cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện hay công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển. Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá hủy, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn và nước biển dâng.
Trên đất liền, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Khu vực sâu trong đất liền các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Gió cấp 9 có thể làm gãy cành cây, tốc mái nhà, gây thiệt hại về nhà cửa.
Về mưa lớn, từ ngày 22.7 đến ngày 23.7, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.
Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 150 mm trong 3 giờ. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.