Hiện nay, một phòng trọ rộng 20-35m2, đầy đủ đồ nội thất ở khu vực nội thành sẽ có mức giá dao động từ 4 – 6 triệu đồng. |
Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay thị trường phòng trọ cho thuê tại Hà Nội chủ yếu được giới thiệu theo hình thức đăng tải thông tin trên các hội nhóm môi giới.
Tính cho tới thời điểm cuối tháng 6/2024, mặc dù là tháng nghỉ hè của sinh viên nhưng giá phòng trọ tiếp tục được đẩy mạnh gây nên tình trạng “ngáo giá”. Theo đó, phòng trọ diện tích 15-20m2 có xu hướng tăng khoảng 300.000 đồng – 500.000 đồng/tháng, nhiều phòng trọ có diện tích trên 25m2, đầy đủ nội thất có mức tăng mạnh hơn, từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, giá thuê nhà trọ tại quận gần khu trung tâm, trường học tại các phường như: Khương Đình, Thượng Đình (Thanh Xuân) căn phòng thuê khép kín, có diện tích từ 15-25m2 đã tăng từ mức 2,5 – 2,8 triệu đồng/tháng lên mức 2,8 – 3,3 triệu đồng/tháng.
Tại quận Cầu Giấy, một số khu trọ phường Dịch Vọng Hậu – nơi tập trung nhiều trường đại học lớn đã đồng loạt tăng giá thuê lên 300.000 đồng – 500.000 đồng/phòng, đẩy giá thuê nhà trọ tại đây lên mức 2,7 – 3 triệu đồng/tháng với phòng nhỏ và 3 – 5 triệu đồng/tháng đối với phòng to, đầy đủ tiện ích. Còn tại quận Đống Đa, giá thuê trọ dao động từ 2,7 – 4,5 triệu đồng/tháng.
Khó tìm được phòng trọ bình dân dưới 2,5 triệu đồng/tháng tại Thành phố Hà Nội vào thời điểm này. (Ảnh: CMH) |
Trao đổi với phóng viên, bạn L.C (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bức xúc vì đầu tháng 7 chủ trọ thông báo tăng 500.000 đồng mỗi phòng. Đủ lý do được chủ trọ đưa ra cho lần tăng giá này: Tăng theo giá thị trường, chi phí lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn trật tự, PCCC…
Bạn L.C chia sẻ: “Hàng tháng, em đang phải chi trả tiền thuê nhà trọ 3,3 triệu đồng/tháng, sau khi tăng giá sẽ là 3,8 triệu đồng/tháng cho một phòng diện tích từ 16-18m2 chưa tính tiền dịch vụ. Để giảm gánh nặng chi phí, nhiều sinh viên thuê trọ tại đây như em buộc phải đăng tin tìm người ở ghép hoặc tìm phòng trọ mới phù hợp với khả năng tài chính.
Cùng hoàn cảnh, bạn T.H (sinh viên năm 3, Đại học Khoa học Tự nhiên) quyết định chi tiền cho môi giới bất động sản với mong muốn tìm được phòng trọ ưng ý. Thế nhưng khi đi xem hàng loạt phòng trọ theo danh sách được cung cấp, bạn H cảm thấy bất lực: “Em ngỡ ngàng với giá phòng tại Hà Nội tại thời điểm này, nhiều phòng trọ ở sâu trong ngách khi diện tích chưa đầy 15m2 nhưng có giá thuê trên 3,2 triệu đồng/tháng, còn phòng giá trên 2 triệu thì xuống cấp, bí bách không đảm bảo công tác PCCC”.
Ngoài L.C và T.H, trên nhiều hội nhóm cho thuê phòng trọ, nhiều sinh viên, người đi làm cũng bày tỏ than thở vì mức giá thuê phòng trọ ngày càng tăng cao. Chị P.H (làm việc tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự rằng, chủ trọ nơi cô ở đã tăng giá phòng thêm 600.000 đồng khiến giá thuê từ 2,4 triệu lên 3 triệu/tháng. Với thu nhập hàng tháng khoảng 7-8 triệu đồng, việc trả tiền thuê nhà trọ trên 3 triệu đồng là một gánh nặng đáng kể. Điều này đang khiến P.H phải điều chỉnh chi tiêu và hạn chế hoạt động giải trí để có thể trang trải cuộc sống. P.H cũng dự định tìm người ở ghép hoặc tìm một phòng trọ khác với mức giá hợp lý hơn trong thời gian tới.
Hiện nay, trên nhiều hội nhóm rất nhiều bài đăng tìm người ở ghép hoặc tìm phòng trọ mới phù hợp với khả năng tài chính. |
Không chỉ giá phòng tăng, nhiều phòng trọ khác còn tăng cả giá dịch vụ. Bạn H.N hiện đang thuê một căn nhà ở riêng lẻ nhiều tầng nhiều căn hộ tại phố Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy) cho biết: “Nơi mình đang thuê tăng giá đủ thứ dịch vụ, riêng tiền dọn rác, tiền mạng Internet, gửi xe… đã rơi vào khoảng 250.000-300.000 đồng/người/tháng, chưa kể tiền điện tăng từ 4.000 đồng/1 kW lên 4.500 đồng/1 kW. Chỉ tính riêng tháng hè này, mình đã phải trả 1,5 triệu đồng cho hơn 300 số điện sử dụng. Khi nhìn thấy tin nhắn thông báo tiền điện cần thanh toán, mình đã nghĩ chắc sang tháng thời tiết có nóng cũng chỉ bật quạt chứ không dám bật điều hòa nữa mất”.
Không chỉ giá phòng tăng, nhiều phòng trọ khác còn tăng cả giá dịch vụ khiến người thuê choáng váng. |
Chia sẻ về việc để giá nhà trọ luôn giữ ở mức khá cao, anh Đ.C – quản lý dãy phòng trọ tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết: “Giờ là nghỉ hè, giá thuê như hiện tại còn chưa là cao đâu. Đến giữa tháng 8 khi tân sinh viên lên nhập học, kiểu gì giá thuê cũng sẽ tăng thêm nữa. Bên cạnh đó, việc PCCC được siết chặt, các chủ nhà trọ phải lắp đặt thêm thiết bị, tu sửa cải tạo nên giá thuê được điều chỉnh để bù vào các chi phí phát sinh”.
Tương tự, bà M.T – chủ một nhà trọ ở ngõ 294 Kim Mã, quận Ba Đình cũng cho rằng việc tăng giá thuê là thiết yếu do nhu cầu thuê phòng trọ hiện rất cao. Bà C chia sẻ: “Bây giờ cô thấy ai đi thuê nhà trọ phải nhanh tay mới thuê được phòng. Có những hôm vừa treo biển được 5 phút đã có người hỏi thuê. Cứ đắn đo, do dự trả giá thì cô nói thật là chả thuê được đâu. Đến bó rau nó còn tăng giá thì giá nhà trọ tăng cũng là bình thường thôi”.
Báo cáo về xu hướng và tâm lý người tiêu dùng bất động sản 6 tháng cuối năm 2024, chi phí thuê nhà tại Hà Nội đang chiếm khoảng 45% thu nhập của người dân. Để đối phó với tình trạng giá thuê tăng cao, nhiều người đã phải điều chỉnh lối sống. Cụ thể, 55% số người được khảo sát cho biết chấp nhận thuê nhà ít nội thất hơn, 36% lựa chọn ở ghép và 27% tìm kiếm thuê chỗ ít tiện ích hoặc nhỏ hơn.
Diệu Linh