Vietcombank thông báo dừng toàn bộ giao dịch thẻ với những khách hàng sau

Hàng loạt ngân hàng lớn khác như Agribank, MB, SHB, Bac A Bank, BaoViet Bank… cũng đồng loạt đưa ra thông báo tương tự.

Báo Người đưa tin ngày 19/04/2025 đưa thông tin với tiêu đề: “Vietcombank thông báo dừng toàn bộ giao dịch thẻ với những khách hàng sau” cùng nội dung như sau:

Trang chủ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đăng tải thông tin cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 01/07/2025, Vietcombank sẽ dừng xử lý mọi giao dịch qua dải băng từ trên thẻ ghi nợ nội địa do Vietcombank phát hành, bao gồm: Thẻ công nghệ từ; Dải băng từ trên thẻ Chip/ Chip contactless.

Vietcombank khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra lại loại thẻ mình đang sử dụng. Trong trường hợp thẻ chỉ có dải từ mà chưa tích hợp chip, khách hàng cần chủ động chuyển đổi sang thẻ chip nội địa trước thời điểm quy định để tránh gián đoạn giao dịch. Việc chuyển đổi có thể thực hiện miễn phí tại các điểm giao dịch của ngân hàng hoặc thông qua ứng dụng VCB Digibank. Nếu thẻ đã tích hợp chip, khách hàng vẫn có thể sử dụng bình thường.

Vietcombank khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra lại loại thẻ mình đang sử dụng. (Ảnh minh hoạ)

Không chỉ Vietcombank, hàng loạt ngân hàng lớn khác như Agribank, MB, SHB, Bac A Bank, BaoViet Bank… cũng đồng loạt đưa ra thông báo trên website, fanpage tương tự nhằm tuân thủ Thông tư 18/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 28/6/2024) và Công văn 1099/NHNN-TT (ban hành ngày 19/2/2025), yêu cầu toàn ngành chuyển đổi sang thẻ chip nội địa đạt chuẩn.

Tại Agribank, từ ngày 1/7/2025, ngân hàng sẽ ngừng tiếp nhận giao dịch qua dải từ trên thẻ nội địa của chính mình lẫn các thẻ nội địa phát hành bởi ngân hàng khác. Các thẻ ghi nợ nội địa chưa chuyển đổi sang công nghệ chip sẽ bị đóng hoàn toàn. Agribank yêu cầu khách hàng chủ động đổi thẻ sớm để đảm bảo các hoạt động như rút/gửi tiền tại ATM, thanh toán qua máy POS hay giao dịch liên ngân hàng không bị gián đoạn.

Ngân hàng MB cũng áp dụng lộ trình tương tự, triển khai chuyển đổi từ ngày 3/4/2025 và miễn phí chuyển đổi đến hết ngày 30/6/2025. Sau thời điểm này, khách hàng sẽ phải chịu phí theo biểu phí mới của ngân hàng. MB cho biết khách hàng có thể thực hiện chuyển đổi theo 3 cách: trực tiếp tại chi nhánh/phòng giao dịch, gọi tổng đài MB247 (1900545426) hoặc thực hiện qua ứng dụng di động. Nếu chọn chuyển đổi qua app, hệ thống sẽ tự động thu phí và MB cam kết hoàn lại phí vào trước ngày 8 của tháng kế tiếp.

BAOVIET Bank cũng thông báo sẽ dừng toàn bộ giao dịch liên quan đến dải từ từ ngày 1/7/2025, bao gồm cả thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng nội địa. Những hình thức bị ngừng gồm: giao dịch bằng thẻ từ, giao dịch bằng dải từ trên thẻ chip và cả các trường hợp fallback khi thiết bị không đọc được chip.

Như vậy, người dùng cần nhanh chóng kiểm tra loại thẻ đang sử dụng và thực hiện chuyển đổi sang thẻ chip trong thời gian miễn phí để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động giao dịch thường nhật sau thời điểm 1/7/2025.

Trước đó, báo Dân trí ngày 18/04/2025 cũng có bài đăng với thông tin: “Nhân viên Vietcombank ở TPHCM chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng”. Nội dung được báo đưa như sau:

Chiều 18/4, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Lê Tuấn Anh (32 tuổi, nhân viên của Ngân hàng Vietcombank) mức án tù chung thân với các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Bị cáo Lê Tuấn Anh tại tòa (Ảnh: Xuân Duy).

Theo hồ sơ vụ án, Lê Tuấn Anh từng là chuyên viên thẩm định tín dụng cá nhân tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Sài Gòn – Phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi. Do nợ nần, Tuấn Anh đã nảy sinh ý định làm giả giấy tờ liên quan đến hồ sơ vay vốn ngay tại nơi làm việc.

Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2021 đến cuối năm 2023, Tuấn Anh đã nhờ người quen cung cấp thông tin cá nhân, sau đó sử dụng thông tin này để điền vào các mẫu vay vốn của ngân hàng. Bị cáo còn làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ liên quan nhằm hoàn thiện hồ sơ vay vốn của các khách hàng, từ đó chiếm đoạt số tiền giải ngân từ ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, Tuấn Anh đã tự làm giả hồ sơ của 10 khách hàng cá nhân để thực hiện các hồ sơ vay vốn “khống”. Cụ thể, bị cáo đã làm giả hồ sơ vay, thế chấp của 9 khách hàng liên quan đến 15 hợp đồng tín dụng, chiếm đoạt 35,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Tuấn Anh còn làm giả hồ sơ dựa trên hồ sơ có thật của một khách hàng, giải ngân nhiều lần với 5 hợp đồng tín dụng, chiếm đoạt thêm 13 tỷ đồng. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 48,8 tỷ đồng.

Quá trình điều tra cho thấy, 10 khách hàng đứng tên trên hồ sơ vay và các cá nhân nhận tiền từ Tuấn Anh không được hưởng lợi hay cố ý giúp sức cho hành vi chiếm đoạt tài sản của Vietcombank.

Liên quan đến các dấu hiệu sai phạm trong việc cấp tín dụng của Vietcombank – Chi nhánh Sài Gòn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã trưng cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM giám định về quy trình xét duyệt, thẩm định cho vay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả. Nhà chức trách đã tách hành vi và tài liệu liên quan để tiếp tục xác minh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *