Giá cà phê robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam, theo nhận định của Bloomberg.
Giá cà phê hôm nay 9/8/2024
Giá cà phê thế giới quay đầu giảm mạnh vào cuối phiên.
Giá cà phê trong nước hiện dao động trong khoảng 122.100 – 122.800 đồng/kg. Khoảng giá này hiện đã tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm nay do nguồn cung giảm. Trong tháng 7, giá cà phê xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng khi đạt mức 4.844 USD/tấn, tăng 5% so với tháng 6 và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cuối phiên, số liệu xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong tháng 7/2024 (44%) của Brazil đẩy 2 sàn cùng giảm. Thị trường cũng có những điều chỉnh kỹ thuật phù hợp sau vài ngày tăng mạnh trước đó.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dự đoán xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng còn lại của quý III sẽ giảm do nguồn cung thấp. Đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, thì nguồn cung cà phê mới tăng trở lại. Nguồn hàng cà phê cho xuất khẩu đang trông chờ vào niên vụ thu hoạch mới và dự báo xuất khẩu cà phê cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 5,5 – 6 tỷ USD.
Sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam ước tính chỉ đạt 1,47 triệu tấn, giảm 20% so với niên vụ trước và là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sản lượng cà phê cho niên vụ 2024/2025 cũng có thể sẽ tiếp tục giảm. Từ nay đến tháng 9, Việt Nam có thể chỉ còn khoảng 200.000 tấn cà phê để xuất khẩu, nếu không kể lượng hàng tồn kho từ năm trước.
Cơ quan quản lý Xuất nhập khẩu Việt Nam, thuộc Bộ Công Thương, nhận định rằng xuất khẩu cà phê sẽ giảm trong quý III do hạn chế về nguồn cung. Dự kiến, nguồn cung cà phê sẽ tăng trở lại từ tháng 10, đúng vào thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025.
Trước khi quay đầu giảm, giá cà phê thế giới đã trải qua những phiên tăng mạnh mẽ, khi những thông tin về sương giá ảnh hưởng tới sản lượng của Brazil. Thời tiết lạnh hơn ở Brazil đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và buộc một số người phải đóng các vị thế bán khống. Theo Bloomberg, giá cà phê arabica trở lại mức tăng mạnh nhất sau gần một tháng giảm liên tục nhờ dự báo thời tiết lạnh hơn ở Brazil đã thúc đẩy người rang xay mua vào.
Giá cà phê trong nước chốt phiên 8/8 tăng 1.800 – 2.000 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Getty Images)
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch ngày 8/8, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 45 USD, giao dịch tại 4.436 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 giảm 33 USD giao dịch tại 4.253 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 1 Cent, giao dịch tại 245,30 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 giảm 2,65 Cent, giao dịch tại 239,35 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước chốt phiên 8/8 tăng 1.800 – 2.000 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê robusta lên tới 35 triệu bao (60kg/bao) vào năm 2040. Bên cạnh đó, giá cà phê thế giới vẫn được hỗ trợ từ nhu cầu từ người mua châu Âu tăng lên trước khi các điều khoản theo luật EUDR chống phá rừng có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), yếu tố thời tiết không thuận lợi kết hợp với sự bùng phát của rệp sáp cùng nhện đỏ sẽ làm giảm sản lượng vụ robusta tiếp theo ở Việt Nam từ 15% đến 20%.
Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê robusta vụ 2023-2024 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024-2025 của Việt Nam sẽ ở mức từ 21,4 đến 22,7 triệu bao. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ của Volcafé trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra mới đây là 27,85 triệu bao.
Ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ điều kiện tự nhiên, căng thẳng địa chính trị, và chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, với vị thế là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và những nỗ lực cải thiện chuỗi giá trị, ngành cà phê Việt Nam vẫn có cơ hội vượt qua khó khăn và tiếp tục đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Việt Nam tiếp tục là nguồn cung cà phê lớn thứ hai vào thị trường EU trong những tháng đầu năm với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ EUR, tăng tới 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này giúp cho thị phần của Việt Nam tại EU tăng từ 15,2% lên 20%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). EUDR được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm ngoái, nhập khẩu cà phê của EU từ thị trường thế giới giảm 10% do nền kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân châu Âu sẽ tăng trở lại.
Liên minh châu Âu có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù mức tiêu thụ tại các thị trường thành viên khác nhau. Quy mô thị trường cà phê châu Âu dự tính đạt 47,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ đạt 58,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng bình quân 3,96% trong giai đoạn 2024 – 2029.
Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất ở Tây Âu do đã ăn sâu vào văn hóa và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhu cầu về cà phê cũng ngày càng tăng trong khu vực do số lượng quán cà phê mới mở, sự phát triển của các chuỗi cửa hàng cà phê và số lượng người mua máy pha cà phê ngày càng tăng.
Do đó, châu Âu được coi là thị trường tiềm năng lớn mà bất kỳ nước sản xuất cà phê nào cũng muốn khai thác.