2 người t:ử v:ong sau khi ăn phở lòng

Ngành y tế tỉnh Hưng Yên đang xác minh vụ việc 2 người tử vong sau khi ăn sáng bằng món phở lòng, 4 trường hợp khác phải đi cấp cứu.

Ngày 16/07/2025, Vietnamnet đưa tin “2 người tử vong sau khi ăn phở lòng”. Nội dung chính như sau:

Theo thông tin từ Trung tâm y tế Quỳnh Phụ (tỉnh Hưng Yên), đơn vị này đã có báo cáo về Sở Y tế tỉnh Hưng Yên điều tra, giám sát các trường hợp phải đi cấp cứu và tử vong sau khi ăn các món liên quan tới lòng lợn tại xã Quỳnh An.

Hai trường hợp tử vong là ông T.V.D (51 tuổi, trú tại xã Quỳnh An) ăn phở lòng tại một quán trong xã ngày 6/7.

Tối 7/7, ông D. sốt cao, đau đầu được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực với chẩn đoán sơ bộ viêm màng não. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thái Bình điều trị nhưng không đỡ, tiên lượng ngày càng xấu hơn, được đưa về nhà. Khoảng 15h ngày 8/7, ông D. tử vong.

Trường hợp thứ hai là ông N.D.T (55 tuổi, trú ở xã Quỳnh An) cũng ăn phở lòng tại quán trên. Ngày 8/7, bệnh nhân mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa được người cùng công ty đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ với tình trạng hôn mê. Trưa 8/7, ông T. diễn biến nặng, được đưa về nhà và tử vong.

Cơ quan chức năng địa phương xác định trong ngày 6/7, đã có 17 người ăn các món liên quan tới lòng lợn tại 3 quán ăn ở thôn Đồng Kỷ và thôn An Vị (xã Quỳnh An).

Ngoài 2 ca tử vong, 4 trường hợp khác điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chiều 14/7, một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã xuất viện.

Ngày 15/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Hưng Yên) quyết định thành lập 2 tổ công tác điều tra, xác minh vụ việc.

Trung tâm Y tế Quỳnh Phụ đã chỉ đạo Trạm Y tế Đông Hải (xã Quỳnh An) tiếp tục triển khai các hoạt động điều tra, giám sát, tuyên truyền, xử lý môi trường và báo cáo theo quy định. Lực lượng chức năng đã hướng dẫn khử khuẩn môi trường bằng Cloramin B tại các quán ăn và gia đình.

Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề như điếc, tổn thương thần kinh hoặc suy đa tạng. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.

Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, lòng lợn hay bất kỳ sản phẩm nào từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Khi mua thịt, nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh thịt có màu sắc bất thường, dấu hiệu phù nề hoặc xuất huyết.

Người tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn cần đeo găng tay, khẩu trang và vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc. Nếu có vết thương hở ở tay chân, cần băng kín bằng gạc không thấm nước trước khi xử lý thực phẩm sống. Ngoài ra, với đồ ăn sẵn mua ngoài hàng, người dân nên chần lại bằng nước sôi hoặc nấu kỹ trước khi ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 30/11/2024, Vnexpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: Thịt, pate nhiễm khuẩn Salmonella khiến hơn 300 người ăn bánh mì bị ngộ độc. Nội dung cụ thể như sau:

Kết quả kiểm nghiệm được Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu công bố ngày 30/11, nói rõ thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, rau sống ăn kèm đều nhiễm vi khuẩn Salmonella và E.coli, riêng nước sốt thịt heo nhiễm Salmonella không có E.coli.

Cơ quan chức năng kết luận các mẫu thực phẩm có chỉ tiêu thử nghiệm không đạt theo quy định của Thông tư 05/2012 của Bộ Y tế về quy chuẩn quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: Hắc Minh

Ghi nhận của Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu đến chiều 29/11 có 379 người nhập viện điều trị, trong đó có một trường hợp là cụ ông 71 tuổi tử vong nghi do ăn bánh mì.

Đây là vụ ngộ độc có số lượng nạn nhân lớn nhất TP Vũng Tàu những năm qua. Hàng trăm người nhập viện với triệu chứng đau bụng, sốt cao, tiêu chảy nhiều lần sau khi ăn bánh mì mua từ tiệm bánh mì Cô Ba trên đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, chiều và tối 26/11, và sáng sớm hôm sau. Bánh mì bán chủ yếu ở tiệm là bánh mì thập cẩm gồm thịt luộc, chà bông, bơ, patê, chả lụa, nước sốt, đồ chua, hành.

Tiệm bánh mì Cô Ba trên đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu. Ảnh: Trường Hà

Salmonella là thủ phạm gây nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống, sinh độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C), phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm.

Vi khuẩn E.Coli thường sống ký sinh trong ruột người và động vật, hầu hết vô hại, một số loài gây bệnh đường ruột như tiêu chảy, đau bụng, sốt hoặc ngộ độc thức ăn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *